Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất thường và bình thường

Dân Biết| 28/03/2010 06:12

Chuyện: Từ năm 2000 đến nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam luôn có mức tăng trưởng cao, trung bình đạt 25% mỗi năm. EU, Nhật Bản, Mỹ... là những thị trường chủ lực.

Tuy nhiên, khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các mặt hàng trở nên cạnh tranh hơn nên kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang Mỹ năm 2009 giảm trên 8%. Theo dự báo, năm 2010, xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam vẫn khó đạt kỳ vọng tăng trưởng. Các doanh nghiệp cũng đứng trước nhiều rủi ro hơn khi "bỏ thóc vào một giỏ" - phát triển quá nóng tại một vài thị trường trọng điểm.

"Hơi nóng" của những khó khăn này, nhiều doanh nghiệp đã cảm nhận được khi Mỹ chính thức điều tra áp thuế chống bán phá giá đồ gỗ xuất khẩu của Trung Quốc từ năm 2004 và đã áp thuế chống bán phá giá năm 2006. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu Mỹ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ của Trung Quốc thì đồ gỗ Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Trong khi đó, với triển vọng trở thành một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất, Việt Nam đứng trước nguy cơ bị kiện ở mức cao hơn.

Ngoài ra, sau khủng hoảng, Mỹ nói riêng, các nước nhập khẩu nói chung đã dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật để hạn chế hàng nhập khẩu, bảo hộ sản xuất nội địa. Chẳng hạn, thị trường Mỹ hiện đã bắt buộc doanh nghiệp nhập khẩu nộp tờ khai chứng minh nguồn gốc, tính hợp pháp của sản phẩm lâm sản.

Câu hỏi đặt ra: Kiện chống bán phá giá nói riêng, tranh chấp thương mại nói chung có thể xem là một sự cố bất thường khi các bên giao dịch, thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, đây lại là điều hoàn toàn bình thường trong đời sống thương mại. Doanh nghiệp nào cũng phải chuẩn bị tinh thần cũng như trang bị đầy đủ kỹ năng đối phó, từ tìm hiểu kỹ môi trường pháp lý, tập quán... của đối tác đến kỹ năng giải quyết tranh chấp quốc tế.

Vấn đề nằm ở chỗ bao nhiêu doanh nghiệp xuất khẩu ý thức được điều này?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bất thường và bình thường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.