Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất ổn xã hội có thể bùng phát

Quỳnh Dương| 02/09/2016 07:28

(HNM) - Ngày 31-8, với 61 phiếu đồng ý và 20 phiếu chống, Thượng viện Brazil đã chính thức bãi nhiệm Tổng thống Dilma Rousseff. Sự “ra đi” của “bà đầm thép” Mỹ Latinh này đã đặt dấu chấm hết cho 13 năm lãnh đạo của đảng Lao động cánh tả tại Brazil.

Nhiều tranh cãi bùng nổ sau vụ phế truất Tổng thống D.Rousseff.



Đây là kết quả sau các phiên điều trần của Thượng viện Brazil kể từ khi bà D.Rousseff bị đình chỉ chức vụ (từ ngày 12-5) để phục vụ công tác điều tra. Nữ tổng thống 68 tuổi bị cáo buộc đã "làm đẹp" các con số thống kê nhằm giảm bớt tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm 2014, đúng năm bầu cử và sử dụng kinh phí bổ sung không có trong dự toán ngân sách khi chưa có sự đồng ý của Quốc hội. Đến thời điểm này, dù thừa nhận đã phạm sai lầm trong các chính sách điều hành kinh tế, song bà D.Rousseff vẫn bác bỏ mọi cáo buộc vi phạm kỷ luật tài chính; đồng thời cho rằng phiên luận tội của Thượng viện hoàn toàn không có cơ sở và những người buộc tội bà cũng không đưa ra được bất cứ bằng chứng cụ thể nào cho thấy bà có dính líu tới hành vi tham nhũng. Nhà lãnh đạo này khẳng định sẽ không từ bỏ việc bảo vệ nền dân chủ, chân lý, sự thật và quyền lợi của nhân dân.

Ba giờ sau cuộc bỏ phiếu, Tổng thống lâm thời Michel Temer đã chính thức tuyên thệ, trở thành Tổng thống Brazil. Ông yêu cầu các bộ trưởng bảo vệ Chính phủ khỏi các cáo buộc rằng việc hạ bệ bà D.Rousseff thực chất là một cuộc đảo chính; đồng thời hợp tác chặt chẽ với Quốc hội để vực dậy nền kinh tế đất nước. Diễn biến ở Brazil đã làm bùng nổ nhiều tranh cãi. Nhiều người cáo buộc hành động phế truất bà là âm mưu của phe cánh hữu nhằm lật đổ một Chính phủ đã giúp cải thiện cuộc sống của nhiều người nghèo. Thậm chí, nhiều thành viên đảng Công nhân đã cáo buộc không ít nghị sĩ đòi luận tội bà D.Rousseff đang dính đến các vụ tham nhũng. Giới quan sát dự báo quyết định bãi nhiệm bà D.Rousseff sẽ châm ngòi cho các cuộc biểu tình lớn ở quốc gia Nam Mỹ, đẩy nền kinh tế nước này chìm sâu vào khủng hoảng và bất ổn. Trong những ngày Thượng viện nhóm họp, hàng nghìn người ủng hộ bà D.Rousseff đã biểu tình tại các thành phố lớn như Brasilia và Rio de Janeiro. Ngay khi phiên điều trần kết thúc, đại diện đảng Lao động khẳng định các tổ chức xã hội và những người ủng hộ bà D.Rousseff sẽ xuống đường tuần hành yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử trước hạn.

Chính quyền của Tổng thống M.Temer cũng được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong 2 năm tới bởi nền kinh tế Brazil đang rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua. Trong năm 2015, kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8%, đồng nội tệ real mất giá gần 50%, lạm phát ở mức hơn 10% và nợ công tương đương 65% GDP. Ngân hàng trung ương Brazil mới đây dự báo kinh tế nước này sẽ suy giảm 3,2% trong năm 2016. Bên cạnh đó, ông M.Temer cũng đứng trước nhiều nguy cơ chính trị bởi nhiều thành viên trong nội các đang trong diện điều tra vì tình nghi liên quan tới vụ bê bối tham nhũng khổng lồ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras.

Diễn biến ở Brazil còn gây ra rạn nứt trong quan hệ giữa nước này và Chính phủ cánh tả ở nhiều quốc gia. Tổng thống Ecuador Rafael Correa khẳng định sẽ rút đại biện lâm thời nước này ở Brasilia để phản đối quyết định của Thượng viện Brazil và bày tỏ tình đoàn kết với bà D.Rousseff. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Bolivia đã tham vấn Đại sứ nước này tại Brazil và kêu gọi các nước Mỹ Latinh phản đối hành động “đảo chính mềm” gây nguy hiểm cho nền dân chủ. Venezuela cũng tuyên bố rút Đại sứ khỏi thủ đô Brasilia và đóng băng các mối quan hệ với Brazil.

Vì vậy, những gì mà Chính phủ mới ở Brazil đang phải đối diện là những khó khăn chồng chất từ nền kinh tế suy thoái đến căng thẳng ngoại giao. Bên cạnh đó còn là nguy cơ bất ổn xã hội có thể bùng phát bất cứ lúc nào vì những mâu thuẫn nội bộ bắt nguồn từ việc phế truất gây chấn động nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất ổn xã hội có thể bùng phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.