Theo Đặc phái viên TTXVN, trưa ngày 25-9 (giờ địa phương), tại thủ đô Brasilia, Cộng hòa liên bang Brazil, sau hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Lula da Silva họp báo chung thông tin về kết quả hội đàm.
Trước đông đảo phóng viên Việt Nam, Brazil, quốc tế và quan chức hai bên, Tổng thống Brazil Lula da Silva bày tỏ vui mừng và vinh dự gặp lại Thủ tướng Phạm Minh Chính, sau cuộc gặp giữa hai nhà Lãnh đạo tại Hội nghị Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Nhật Bản vừa qua.
Tổng thống Brazil nhớ lại kỷ niệm khi thăm Việt Nam vào năm 2008; bày tỏ ngưỡng mộ trước sự phát triển ngoạn mục và chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế của Việt Nam. Tổng thống cho biết, tại hội đàm, Tổng thống và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thống nhất thúc đẩy hợp tác giữa hai bên, trong đó bên này sẵn sàng nhập khẩu hàng hóa của bên kia theo hướng cân bằng, Brazil mong muốn xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm có thế mạnh như máy bay, máy móc, thiết bị công nghệ cao. Đồng thời mong muốn mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, nông nghiệp, giáo dục, quốc phòng…
Hai bên cũng nhất trí triệu tập họp Ủy ban hợp tác song phương về khoa học - công nghệ để đề ra phương hướng hợp tác trong lĩnh vực này, nhất là lĩnh vực đổi mới, sáng tạo. Brazil mong muốn Việt Nam đàm phán và ký kết hiệp định thương mại tự do FTA với khối MERCOSUR; cùng với đó, kết nối thị trường khối MERCOSUR với ASEAN.
Tổng thống Lula da Silva cho biết, năm 2024 kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Brazil, ông đã nhận lời mời thăm Việt Nam của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam nhằm tham gia các hoạt động kỷ niệm và tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Brazil là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc Việt Nam đã đặt chân tới vào năm 1912; có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.
Chuyến thăm tới Brazil của Thủ tướng lần này theo lời mời của Tổng thống Lula da Silva; là chuyến thăm Brazil lần thứ 5 của Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1989, và là chuyến thăm đầu tiên sau 16 năm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông và Tổng thống Brazil đã có cuộc hội đàm chính thức trong không khí chân thành, cởi mở, thẳng thắn; cùng ra Thông cáo chung và đã chứng kiến Lễ ký kết các văn kiện hợp tác song phương trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, giáo dục, nông nghiệp... Các văn kiện này chắc chắn sẽ tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác, đem lại lợi ích thiết thực cho cả Việt Nam và Brazil. Cũng theo Thủ tướng, hai bên nhất trí cho rằng quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Brazil thời gian qua đã phát triển rất tích cực. Các cuộc tiếp xúc cấp cao và trao đổi đoàn giữa Đảng, Chính phủ, Quốc hội hai nước được duy trì thường xuyên.
Nhân dân Việt Nam và nhân dân Brazil luôn dành cho nhau tình cảm đoàn kết và hữu nghị tốt đẹp. Quan hệ kinh tế - thương mại song phương phát triển tốt đẹp; Brazil duy trì là đối tác số 1 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil tại ASEAN.
Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các trụ cột về chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, nông nghiệp, khoa học - công nghệ và giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch, an ninh - quốc phòng, giao lưu nhân dân, và các lĩnh vực mới như công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển xanh, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo…
Thủ tướng và Ngài Tổng thống thống nhất sớm tổ chức Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Brazil về Hợp tác kinh tế - thương mại để rà soát, triển khai các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Việt Nam cũng đề nghị Brazil sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam; và đề nghị Brazil tiếp tục ủng hộ thúc đẩy sớm khởi động đàm phán FTA Việt Nam - MERCOSUR. Với tiềm năng đó, kỳ vọng thương mại hai chiều sẽ tăng lên 10 tỷ USD vào 2025 và 15 tỷ USD vào 2030.
Việt Nam và Brazil chia sẻ quan điểm trên nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, nhất là vai trò không thể thiếu của đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa đa phương trong ứng phó với các thách thức chung hiện nay. Hai bên cùng chia sẻ lập trường về việc các bất đồng, tranh chấp quốc tế cần phải được giải quyết hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Hai bên nhất trí về việc hai nước tiếp tục tăng cường tham vấn, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế đa phương, hợp tác Nam - Nam nhằm cùng nhau bảo vệ lợi ích và nâng cao vị thế của mỗi nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông và Tổng thống Lula da Silva tin tưởng với kết quả tốt đẹp của chuyến thăm này, khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam và Brazil sẽ không ngừng phát triển mạnh mẽ, hướng tới nâng tầm khuôn khổ phù hợp trong thời gian tới, đáp ứng mong muốn và lợi ích của nhân dân hai nước chúng ta.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết nhân dịp này, Thủ tướng đã trân trọng chuyển lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mời Ngài Tổng thống Lula da Silva thăm Việt Nam; Tổng thống Lula da Silva đã nhận lời và sẽ sớm sang thăm Việt Nam.
* Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Lula da Silva chứng kiến lễ ký văn kiện hợp tác giữa Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hai nước gồm: Hiệp định hợp tác giáo dục giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Liên bang Brazil; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Brazil; Kế hoạch hành động giai đoạn 2024-2026 triển khai Bản ghi nhớ hợp tác nông nghiệp giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil; Kế hoạch hoạt động triển khai hợp tác giai đoạn 2024-2025 giữa Học viện Ngoại giao Việt Nam (thuộc Bộ Ngoại giao) và Học viện Rio Branco (thuộc Bộ Ngoại giao Brazil).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.