Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất ổn tại Mali: Khó khăn chất chồng

Trung Hiếu| 09/04/2012 06:43

(HNM) - Tròn hai tuần sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của Tổng thống Amadou Toumani Toure (ngày 22-3), Mali vẫn chưa tìm được lối thoát khỏi tình trạng bất ổn. Khó khăn chất chồng thêm khó khăn.

Mặc dù ngày 7-4, phe đảo chính quân sự tại Mali đã ký thỏa thuận khôi phục trật tự hiến pháp và chuyển giao quyền lực cho Chủ tịch Quốc hội Dioncounda Traore, người đang sống lưu vong ở nước ngoài; tuy nhiên, sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng Azawad (MNLA) của phiến quân Tuareg tuyên bố độc lập ở khu vực miền Bắc ngày 6-4, lãnh thổ Mali đã bị xé lẻ, khó có thể ổn định trong tương lai gần. Thêm vào đó, cuộc đảo chính đã làm gián đoạn các khoản viện trợ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân nơi đây.

Người dân Mali đã phải rời bỏ nhà cửa khi binh biến xảy ra ở quốc gia này.

Ngay sau việc MNLA tuyên bố độc lập ở khu vực miền Bắc Mali, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Liên minh Châu Phi (AU) nhấn mạnh, tuyên bố độc lập này "vô hiệu lực và không có giá trị". Algeria, quốc gia láng giềng với Mali, cũng phản đối tình trạng lãnh thổ Mali bị chia cắt. Người phát ngôn của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh Châu Âu (EU), bà Catherine Ashton cho biết, EU luôn tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Mali và bất cứ giải pháp chính trị nào cho cuộc khủng hoảng hiện nay cũng phải được tìm kiếm trong khuôn khổ hiến pháp hiện hành. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp yêu cầu MNLA chấp nhận giải pháp thông qua thương lượng với chính phủ Mali. Trong khi đó, theo Tướng Soumaila Bakayoko, Tổng Tham mưu trưởng các nước thành viên Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), khối này đang lên kế hoạch tác chiến để lực lượng quân sự Tây Phi can thiệp nhằm lập lại hòa bình và an ninh ở Bắc Mali. Hiện tại, ECOWAS đã đặt một lực lượng gồm 2.000 quân trong tình trạng báo động nhằm can thiệp trong trường hợp cần thiết…

Rõ ràng, việc MNLA, sau khi chiếm được ba thành phố quan trọng Timbuktu, Gao và Kidal, tuyên bố độc lập ở khu vực miền Bắc Mali đã làm dấy lên mối lo ngại thực sự trong cộng đồng quốc tế về an ninh cho quốc gia Tây Phi này. Thực tế, hàng chục năm qua, MNLA đã tiến hành các hoạt động nổi dậy đòi thành lập một nhà nước độc lập của người Tuareg trên vùng đất gồm ba thành phố vừa chiếm giữ. Cộng đồng này có khoảng 1,5 triệu người là các bộ lạc du mục cư trú rải rác tại nhiều quốc gia gồm Algeria, Burkina Faso, Libya, Niger và Mali. Tuy nhiên chỉ tại Mali và Niger là thường xuyên xảy ra các cuộc xung đột của người Tuareg đòi thành lập nhà nước độc lập. Việc một nhóm binh sĩ tự xưng là Ủy ban quốc gia Vì sự chấn hưng dân chủ và khôi phục nhà nước (CNRDRE) do Thiếu tá Amadou Sanogo cầm đầu, lật đổ chế độ là thời cơ cho MNLA thực hiện tham vọng của mình. Bất ổn đã ngày một hiện hữu khi có nhiều nguồn tin cho biết, ngay sau khi Tuareg loan báo độc lập, những người ủng hộ MNLA đã bắt đầu áp đặt Luật Hồi giáo (Sharia) tại nhiều nơi ở Bắc Mali. Trong khi đó, nhóm phiến quân Hồi giáo có tên Ansar Dine, đang kiểm soát thành phố Timbuktu, lên tiếng nhận đã bắt cóc 7 nhà ngoại giao Algeria tại Tòa lãnh sự Algeria ở thành phố Gao.

Hiện tại, việc thành lập nhà nước Azouad độc lập đã làm trầm trọng thêm tình hình và ngăn cản quá trình khôi phục trật tự hiến pháp tại Mali. Tuy nhiên, một sự can thiệp quân sự từ bên ngoài không phải là giải pháp tối ưu cho cuộc khủng hoảng, ngược lại, nó khiến mọi thứ càng trở nên khó kiểm soát. Điều cần thiết bây giờ đối với Mali là đề ra tiến trình thành lập chính phủ thống nhất dân tộc, kêu gọi lực lượng Tuareg ngồi vào bàn thương lượng với ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an ninh cho đất nước, tiếp đó mới hy vọng để ECOWAS dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, khôi phục viện trợ của cộng đồng quốc tế để phát triển đất nước. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, thực hiện điều đó không hề dễ dàng. Một Mali loạn lạc với cuộc khủng hoảng nhân đạo sâu rộng đang là nguy cơ hiện hữu, cần sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất ổn tại Mali: Khó khăn chất chồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.