(HNM) - Theo ông Phan Thành Mai, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam, BĐS xanh là BĐS sinh thái thân thiện với môi trường, bảo đảm ngăn chặn các tổn hại từ quá trình hình thành và sử dụng BĐS đối với môi trường.
Các khu đô thị hiện nay vẫn chưa đủ lượng cây xanh. Ảnh: Phương Thảo
Cụ thể hơn, BĐS thân thiện với môi trường đòi hỏi các phương pháp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; lượng khí thải các bon thấp. Có một số ví dụ về bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên trong quy hoạch cảnh quan như mật độ xây dựng thấp, cây xanh, mặt nước chiếm tỷ trọng lớn; sử dụng vật liệu cách nhiệt để hạn chế thất thoát năng lượng; áp dụng các biện pháp giảm thải chất rắn ra môi trường; sử dụng năng lượng mặt trời… Cũng theo ông Mai, BĐS xanh tối đa hóa lợi nhuận và giá trị tài sản cho nhà đầu tư và khách hàng (lợi nhuận ròng cao hơn, chi phí bảo dưỡng thấp hơn, giá trị cao hơn trong cạnh tranh…). Đánh giá về yếu tố cây xanh, mặt nước trong đô thị, TS-KTS Trương Văn Quảng, Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) cho rằng, đó không chỉ là một trong các thành tố của thiên nhiên đóng vai trò thiết yếu của môi trường sống mà còn tạo ấn tượng thẩm mỹ và góp phần tạo dựng môi trường sống cao cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân sinh sống trong đô thị. Khi diện tích cây xanh, mặt nước trong đô thị đạt 20-50% diện tích đất, nhiệt độ không khí có thể giảm từ 3,3 đến 3,9 độ C. Hiệu quả tổng hợp của bóng mát và bay hơi khi tăng 25% diện tích che phủ thảm thực vật có thể làm giảm đi 17-57% năng lượng cần thiết. Cây xanh đô thị có thể làm giảm 40-50% cường độ bức xạ mặt trời và hấp thụ 70-80% năng lượng mặt trời.
Giá trị của đô thị xanh là rõ ràng, song hiện tại ở Việt Nam chưa có khái niệm cụ thể về đô thị xanh. Trong các văn bản quy phạm, quy chuẩn, tiêu chuẩn mới đề cập đến phần xanh trong đô thị là cây xanh, mặt nước. Theo PGS-TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc xác định thành phần không gian xanh trong đô thị chưa có cơ chế, chính sách hay một chương trình quốc gia quy định cụ thể, dẫn đến thiếu thống nhất khi áp dụng vào thực tiễn. Ở Thái Lan, chỉ tiêu cây xanh được tính cụ thể, chi tiết đến từng loại cây xanh có trong đô thị như công viên, cây xanh dọc sông, xung quanh hồ, vùng đệm xanh giữa các khu vực sử dụng đất; vườn cây trong khuôn viên các tòa nhà… Còn ở Việt Nam, khi nói đến mật độ cây xanh đô thị, tức là chỉ tính diện tích cây xanh công cộng mà bỏ qua một số lượng cây xanh trong khuôn viên các công trình tư nhân. Hơn nữa, ngoài cây xanh, không gian vui chơi, giải trí, quảng trường và các không gian mở khác cũng nên xem là một yếu tố của đô thị xanh. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được xem là điển hình về phát triển mô hình đô thị xanh ở Việt Nam. Những năm gần đây, chính quyền các đô thị đã nhận ra vai trò của không gian xanh đô thị trong gắn kết hài hòa các yếu tố tự nhiên - con người - xã hội; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống và cảnh quan đô thị, dần trở thành mục tiêu trọng tâm trong quy hoạch phát triển đô thị theo hướng bền vững. Ngay từ quan điểm phát triển, quy hoạch Hà Nội đã khẳng định Hà Nội là thành phố "xanh" bền vững về môi trường. Giống như ở London (Anh), quy hoạch Hà Nội chỉ cho phép sử dụng 30% quỹ đất để phát triển đô thị. 70% quỹ đất còn lại để phát triển hành lang xanh. Hành lang xanh gồm 40% là khu vực bảo tồn dành cho nông nghiệp năng suất cao, các khu bảo vệ đa dạng sinh học và các khu vực di sản văn hóa. 30% quỹ đất còn lại để hình thành các khu vực phát triển dựa trên bảo tồn các khu dân cư, hoạt động làng nghề. Sự phát triển này được kiểm soát và quản lý để khuyến khích phát triển các hoạt động xanh thân thiện với môi trường như nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái.
TS - KTS Lê Trọng Bình, Viện Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho biết, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đang xây dựng tiêu chí kiến trúc xanh, theo đó nguyên tắc phát triển xanh chủ yếu gồm không làm tổn hại môi trường xung quanh, tận dụng thiên nhiên khai thác hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, cảnh quan, năng lượng; bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên đất đai, hệ sinh thái; thích ứng với các hiện tượng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các công trình kiến trúc sử dụng công nghệ xanh giảm tiêu hao năng lượng, giảm thải, kéo dài tuổi thọ tác phẩm. Trong 5 nhóm tiêu chí, đáng lưu ý là tiêu chí gìn giữ, bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị truyền thống và coi không gian công cộng, bảo đảm hoạt động giao tiếp, nghỉ ngơi cho cá nhân, cộng đồng cũng là một trong những tiêu chuẩn đô thị xanh. Để phát triển đô thị xanh, cần xuất phát từ việc phát triển kiến trúc theo nguyên tắc xanh - ông Bình kiến nghị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.