Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bắt đầu từ việc cụ thể, thiết thực

Dục Tú| 06/09/2015 06:06

(HNM) - Hôm qua, học sinh cả nước đã chính thức tựu trường, dự Lễ khai giảng năm học mới 2015-2016, năm thứ ba ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Đó là một lễ khai giảng theo mô hình đổi mới đích thực mà điểm nổi bật là hạn chế tính hình thức, sự rườm rà, trở nên thiết thực, hướng tới mục tiêu quan trọng là tạo sự hứng khởi cho học sinh và các thầy cô giáo trước khi bước vào một năm học mới.

Những chuyển động trước khi hơn 20 triệu học sinh bước vào năm học 2015-2016, bắt đầu bằng lễ khai giảng mang màu sắc đổi mới cho thấy để có được điều mà Đảng, Nhà nước và nhân dân mong mỏi, là triển khai thực hiện thành công Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, chúng ta có thể và cần bắt đầu quá trình đổi mới bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, toàn tâm toàn ý hướng vào mục tiêu và cũng là phương châm hành động "tất cả vì học sinh thân yêu". Cách tiếp cận đó cần được sự hưởng ứng, chia sẻ của toàn dân, chứ không chỉ là Chính phủ và ngành Giáo dục, như lời kêu gọi của Chủ tịch nước được nêu trong thư gửi các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh học sinh cả nước, đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, gia đình và xã hội tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục, tạo điều kiện tốt nhất cho việc học tập, rèn luyện và phấn đấu của con em chúng ta.

Có rất nhiều việc liên quan đến sự học của con trẻ cần sự đồng lòng quan tâm của toàn xã hội nhằm tạo sự đổi thay theo hướng tích cực một cách thực chất. Đó không chỉ là việc dạy và học nên như thế nào, tổ chức thi cử ra sao, làm gì để công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá tạo được động lực phấn đấu đối với trẻ hay cải cách chương trình, sách giáo khoa… Điều quan trọng còn là gỡ bỏ tâm lý căng thẳng cho người học và hàng triệu gia đình, dẹp bỏ nạn "chạy trường", những vướng bận phi giáo dục làm ảnh hưởng tới tâm lý học hành và sự hình thành nhân cách của trẻ. Về điều này, những gì diễn ra trong thực tế cho thấy "gánh nặng học hành" là do chính chúng ta tạo ra, bởi vậy, gỡ bỏ hay để mặc chúng hoành hành phụ thuộc vào quyết tâm hành động của chúng ta.

Trong năm học 2015-2016, ngành Giáo dục hướng vào bốn nhóm nhiệm vụ trọng tâm, liên quan tới công tác quản lý giáo dục - đào tạo, tổ chức hoạt động giáo dục, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và tăng nguồn lực đầu tư. Những phần việc đó không thể hoàn thành ngay trong một sớm một chiều, cũng như không thể hoàn thành nếu giải pháp được đề ra chỉ tồn tại trên lý thuyết. Thực tế cho thấy có những phần việc có thể và cần phải làm ngay, mang ý nghĩa hỗ trợ cho quá trình thực hiện những mục tiêu nói trên. Đó là những việc cụ thể, đang hiện diện ngoài đời sống mà ai cũng có thể nhận ra, là đối tượng của những quyết sách mà ngành Giáo dục đã đề ra nhưng chưa giải quyết được tận gốc vấn đề vì nhiều lý do. Chẳng hạn như nạn lạm thu, thu sai; sức ép học thêm - dạy thêm; tổ chức thi và tuyển sinh; cơ hội học tập và điều kiện học tập của trẻ em ở vùng khó khăn…

Một năm học mới đã bắt đầu, tiếp ngay sau một kỳ thi có nhiều điều mới mẻ nhưng cũng bộc lộ sự hạn chế nhất định. Khai giảng rồi tốt nghiệp, một chu trình trong đời người mà ở đó không chỉ có học chữ, còn có bài học làm người, rõ ràng là thế mà khâu thực hiện nhằm hiện thực hóa mục tiêu cuối cùng phức tạp vô cùng. Năm nay, lễ khai giảng nhận được sự đồng thuận rộng rãi. Những nụ cười của con trẻ và hàng triệu gia đình là cơ sở tạo đà cho những giải pháp tiếp theo mà điều quan trọng là bắt đầu bằng những việc cụ thể nhằm giải quyết vấn đề mà cuộc sống đặt ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bắt đầu từ việc cụ thể, thiết thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.