Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bắt đầu từ trình độ, nhận thức của cán bộ

Linh Nhi| 06/11/2012 07:54

(HNM) - Đó là khẳng định của ông Phạm Ngọc Thảo, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn pháp luật của MTTQ TP Hà Nội tại Hội nghị tọa đàm bàn việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Đề án 02-212 của Thủ tướng Chính phủ về

Hiệu quả bước đầu

Ông Nguyễn Xuân Điệp, Phó Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội cho biết: Từ 11 xã, phường, thị trấn làm điểm, năm 2010 đã nhân rộng trên địa bàn toàn TP.  MTTQ 29 quận, huyện, thị xã đồng loạt chỉ đạo đến từng tổ dân phố thực hiện đề án với nhiều biện pháp sáng tạo, hiệu quả. Điển hình như phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), năm 2011, Quỹ Vì người nghèo quận giao chỉ tiêu 70 triệu đồng, phường vận động được 84 triệu đồng; số thanh niên lên đường nhập ngũ cũng vượt chỉ tiêu; 98% công trình xây dựng có phép...

Người dân tham khảo tài liệu tại Tủ sách pháp luật phường Điện Biên, quận Ba Đình. Ảnh: Linh Tâm


Theo ông Phùng Mai Long, Phó Chủ tịch MTTQ huyện Ba Vì, huyện có 31 ban điều hành đề án với 309 thành viên đều do chủ tịch MTTQ xã, thị trấn làm trưởng ban, từ đó thành lập được 314 "nhóm nòng cốt" với hơn 2 nghìn thành viên. MTTQ xây dựng nhiều mô hình sinh hoạt như "Pháp luật trong nông dân", "CCB vận động nhân dân chấp hành pháp luật", "Phụ nữ với pháp luật", hội thi "Hòa giải viên giỏi"... và xây dựng được 225 tủ sách pháp luật, giúp người dân dễ dàng tiếp cận kiến thức pháp luật.

Ở quận Hoàng Mai, việc áp dụng mô hình xử án lưu động ngay tại cộng đồng đã thu hút sự quan tâm của nhân dân đối với pháp luật và tăng tính răn đe, góp phần quan trọng giảm vi phạm pháp luật. Hiệu quả thực hiện Đề án 02-212 ở thị trấn Chi Đông (huyện Mê Linh) đã làm cho tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm 0,1%; năm 2011, 100% số hộ (400 hộ) trong diện GPMB nhận tiền đền bù, không phải cưỡng chế, hơn 30% số hộ thực hiện việc tang...

Sau 6 năm thực hiện Đề án 02-212, trình độ và nhận thức của nhân dân tại cộng đồng về pháp luật đã được nâng lên, tạo chuyển biến rõ về ý thức chấp hành pháp luật, nhiều địa phương giảm hẳn số vụ vi phạm, giảm đơn, thư và tranh chấp khiếu kiện.  Những kết quả đó đều bắt đầu từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và sự ủng hộ tích cực từ phía người dân, nhất là những người có uy tín trong các dòng họ, khu dân cư; gắn kết nội dung đề án với nội dung quy ước, hương ước ở các khu dân cư...

Bất cập trình độ cán bộ

MTTQ các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên thành lập được 530 ban điều hành Đề án 02 -212, với 5.236 thành viên, trên cơ sở đó đã thành lập được 4.838 nhóm "nòng cốt", với 42.338 thành viên. Ngoài ra còn thành lập nhiều "CLB pháp luật", tập huấn, tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Các "nhóm nòng cốt", "CLB pháp luật" tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật, hướng dẫn hoạt động và bồi dưỡng nghiệp vụ cho hòa giải viên, tuyên truyền viên pháp luật, lồng ghép phổ biến giáo dục vào các cuộc họp, sinh hoạt tổ, nhóm ở khu dân cư. Đồng thời giám sát việc thực hiện pháp luật bằng việc tổ chức cho nhân dân đăng ký cam kết tới từng hộ gia đình ở địa bàn khu dân cư trong cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".

Tuy nhiên, theo nhận định của cán bộ MTTQ các cấp của TP, công tác "Tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư" chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tế, nhiều nơi còn lúng túng trong thực hiện, nhân dân còn chưa quan tâm đến đề án, nên việc nắm bắt, chấp hành pháp luật chưa đạt hiệu quả cao. Ở nhiều địa phương, vùng miền có tình trạng đời sống cao, nhưng trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật chưa cao...

 Song, vấn đề "nóng" khiến nhiều cán bộ MTTQ băn khoăn nhất hiện nay là trình độ cán bộ làm công tác này chưa đồng đều, nhiều người "non" về kiến thức pháp luật, thiếu kỹ năng tuyên truyền, vận động.

Ông Phạm Ngọc Thảo, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn pháp luật TP cho biết thêm, nhiều nơi, cán bộ "nhóm nòng cốt" chưa đủ trình độ pháp luật và kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật. Chính vì không có kiến thức sâu về pháp luật nên đã "bê" y nguyên tất cả các văn bản quy phạm pháp luật nào mới nhất để phát hoặc đọc cho dân nghe mà không ưu tiên phổ biến những thứ dân cần, đơn cử như ở nông thôn, cần ưu tiên tuyên truyền, vận động kiến thức liên quan đến xây dựng nông thôn mới; còn ở những vùng đô thị hóa nhanh thì quan tâm tới luật đất đai, luật khiếu nại tố cáo…

Để tiếp tục nâng cao chất lượng tuyên truyền vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư theo Đề án 02-212, MTTQ và các cơ quan liên quan đã và đang có kế hoạch khắc phục những "lỗ hổng" nói trên, trước mắt tập trung vào việc nâng cao trình độ, nhận thức của cán bộ trực tiếp chỉ đạo đề án ở cơ sở.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bắt đầu từ trình độ, nhận thức của cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.