Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông

Nhóm phóng viên| 04/03/2023 06:54

(HNM) - Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Hướng dẫn số 91-HD/BTGTU về tuyên truyền bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023. Hiện, các cơ quan chuyên môn cùng các quận, huyện, thị xã đang tập trung triển khai văn bản này nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong nhân dân.

Công an huyện Ba Vì tuyên truyền về an toàn giao thông đường bộ cho học sinh Trường Trung học cơ sở Đồng Thái (huyện Ba Vì). Ảnh: Văn Hạnh

Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội:
Nâng cao ý thức người tham gia giao thông

Nhằm góp phần kiềm chế, làm giảm số vụ và thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra, Phòng Cảnh sát giao thông đã chủ động xây dựng các giải pháp, kế hoạch phù hợp với tình hình trật tự an toàn giao thông và kết cấu hạ tầng của từng địa bàn; tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và lãnh đạo Công an thành phố giải pháp duy trì trật tự an toàn giao thông. Để nâng cao ý thức tự giác của người dân khi tham gia giao thông, trên cơ sở Hướng dẫn số 91-HD/BTGTU, Phòng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Trung ương, thành phố về an toàn giao thông; tuyên truyền các chỉ tiêu, mục tiêu chủ yếu về giao thông của thành phố tới người tham gia giao thông; tuyên truyền quy định “đã uống rượu, bia không lái xe”, “thắt dây an toàn khi đi ô tô”, “đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện”...

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng:
Tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, mang tính chiến lược, lâu dài, cần có sự chung tay của mỗi cá nhân, gia đình, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội. Do vậy, thời gian qua, quận Thanh Xuân đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đội ngũ lái xe ô tô kinh doanh vận tải… Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả Hướng dẫn số 91-HD/BTGTU, quận tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm về trật tự an toàn giao thông; trong đó, đẩy mạnh kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về “xe dù”, “bến cóc”, chợ tạm, “chợ cóc” họp trên hè, đường phố.

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đông Anh Phạm Trọng La:
Kịp thời biểu dương gương người tốt - việc tốt

Để xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng, những năm qua, huyện Đông Anh quan tâm chỉ đạo tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông. Từ Hướng dẫn số 91-HD/BTGTU của Ban Tuyên giáo Thành ủy, huyện đẩy mạnh tuyên truyền trong các tổ chức Đảng, hệ thống chính trị, các đoàn thể nhân dân, đặc biệt ưu tiên địa bàn khu dân cư, tổ dân phố, thông qua sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề, họp tổ dân phố, tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết... Làm sao để huy động tối đa sự tham gia của người dân vào các hoạt động bảo đảm an toàn giao thông. Cùng với đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, huyện chú trọng tuyên truyền, biểu dương gương người tốt - việc tốt, đi đôi với phê phán, lên án kịp thời hành vi cố ý vi phạm, coi thường kỷ cương, pháp luật về giao thông.

Ông Mai Anh Tuấn, phố Lê Quý Đôn, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng:
Tăng cường tuyên truyền cho học sinh, sinh viên

Hiện nay, số lượng học sinh, sinh viên tham gia giao thông trên các tuyến đường tại thành phố Hà Nội rất lớn. Vì vậy, đây là đối tượng đầu tiên cần phải được tuyên truyền về quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Để làm được điều đó, nhà trường cần phối hợp cùng gia đình tập trung tuyên truyền các chuẩn mực, thái độ, hành vi tuân thủ các quy tắc, quy định của pháp luật trong quản lý trật tự đô thị và khi tham gia giao thông. Đồng thời đẩy mạnh giáo dục học sinh trong các nhà trường, gia đình và xã hội thông qua hoạt động ngoại khóa với sự tham gia của phụ huynh, học sinh và chính quyền địa phương.

Bà Nguyễn Thị Mai, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ:
Toàn dân giữ gìn trật tự an toàn giao thông

Hiện nay, các lực lượng chức năng của thành phố đang tích cực vào cuộc, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Trên thực tế, chế tài xử phạt với người vi phạm an toàn giao thông tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt là rất cao, đủ sức răn đe. Tuy nhiên, để xây dựng văn hóa giao thông cần phải xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật và có sự hiểu biết, chấp hành của chính người tham gia giao thông. Do đó, cùng với xử phạt nghiêm cần tiếp tục tuyên truyền thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân giữ gìn trật tự an toàn giao thông”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.