Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất cập trong quản lý, khai thác hồ thủy lợi

Kim Nhuệ| 21/03/2018 06:55

(HNM) - Những hạn chế trong quản lý, khai thác khiến nhiều hồ thủy lợi của TP Hà Nội bị xuống cấp, không bảo đảm an toàn, nhất là vào mùa mưa lũ hoặc ô nhiễm, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân... Đây là những bất cập cần sớm được giải quyết với sự tham gia đồng bộ, tích cực của các cấp, các ngành.


Hồ Quan Sơn (huyện Mỹ Đức) đang được nghiên cứu, đầu tư khai thác theo hướng phục vụ đa mục tiêu. Ảnh: Linh Ngọc


Xuống cấp, thiếu thiết bị giám sát

Trên địa bàn thành phố hiện có 95 hồ chứa được giao cho các doanh nghiệp thủy lợi quản lý, khai thác, trong đó: Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội quản lý 19 hồ, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích quản lý 60 hồ, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy quản lý 16 hồ. Các hồ thủy lợi của TP Hà Nội có nhiệm vụ quan trọng nhất là chống lũ thượng nguồn, trữ nước chống hạn vụ đông - xuân, điều hòa không khí, tạo cảnh quan môi trường. Ngoài ra, một số hồ còn được khai thác làm dịch vụ du lịch, nuôi trồng thủy sản... Tuy nhiên, do tất cả hồ thủy lợi của TP Hà Nội xây dựng từ những năm 1960-1970, có kết cấu đập bằng đất nên hiện nay nhiều hồ bị bồi lắng, xuống cấp…

Là một trong 6 hồ lớn nhất TP Hà Nội, hồ Quan Sơn nằm trên địa bàn huyện Mỹ Đức có diện tích 96,5ha, dung tích thiết kế 11,9 triệu mét khối nước. Hồ có nhiệm vụ chính là chống lũ rừng ngang, cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 7.920ha của 9 xã thuộc huyện Mỹ Đức.

Dung tích thiết kế là vậy nhưng trên thực tế nhiều năm gần đây, tổng lượng nước hồ Quan Sơn cao nhất chỉ đạt khoảng 9 triệu mét khối. Theo ông Nguyễn Ngọc Sáu, Quyền Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức, nguyên nhân là do hồ xây dựng cách đây gần 70 năm, lòng hồ bị bồi lắng. Nhân dân một số xã của tỉnh Hòa Bình chặn nguồn sinh thủy vùng thượng nguồn các con suối trong lưu vực để nuôi trồng thủy sản… Tuy nhiên, bất cập lớn nhất hiện nay trong công tác khai thác hồ Quan Sơn là có nhiều đơn vị cùng được giao quản lý như: Doanh nghiệp thủy lợi quản lý nguồn nước; địa phương quản lý bờ hồ, đất đai; doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản quản lý mặt nước…

Hồ Suối Hai nằm trên địa bàn huyện Ba Vì có tổng diện tích mặt nước 980ha, dung tích thiết kế 46,8 triệu mét khối, có nhiệm vụ chống lũ đầu nguồn, tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp... Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Hùng, Trạm phó Cụm Thủy nông số 2 (Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì), lượng nước tích trữ cao nhất hiện nay của hồ chỉ đạt khoảng 45 triệu mét khối.

Theo kết quả rà soát, đánh giá hiện trạng hồ chứa thủy lợi sau mùa mưa lũ năm 2017 của Sở NN&PTNT Hà Nội, các doanh nghiệp quản lý hồ, đập đều thực hiện đầy đủ quy định về bảo trì, duy tu, bảo dưỡng đập, tràn, cống lấy nước. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách còn khó khăn nên lâu nay một số hồ chưa được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp. Hơn nữa, do ảnh hưởng của mùa mưa lũ năm 2017 nên một số hồ như Vai Cời, Vai Quýt (nằm trên địa bàn thị xã Sơn Tây) bị xói lở vai đập có nguy cơ mất an toàn đập; đập Vai Voi (thị xã Sơn Tây) xói lở mang cống; đập Phú Hiền (huyện Mỹ Đức) bị vỡ dài khoảng 20m…

Đáng quan tâm hơn, một số hồ thủy lợi nhỏ của TP Hà Nội hiện nay chưa được lập quy trình vận hành, kiểm định an toàn đập. Nhiều hồ chưa có thiết bị quan trắc, sử dụng thiết bị quan trắc thủ công có độ chính xác không cao.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Để bảo đảm chất lượng nước, nguồn sinh thủy ổn định, khai thác hồ chứa thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, ông Trần Thanh Nhã, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội cho biết Sở NN& PTNT vừa đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn thải vào hồ chứa, công trình thủy lợi, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý đúng quy định của pháp luật bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường…

Trước mắt, để bảo đảm nguồn nước tưới dưỡng lúa xuân, chống úng ngập trong mùa mưa bão sắp tới, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị Tổng cục Thủy lợi xem xét, báo cáo Bộ NN&PTNT bố trí ngân sách duy tu, sửa chữa, nâng cấp một số hồ chứa đang bị xuống cấp, hư hỏng; đồng thời, xây dựng kế hoạch lắp đặt hệ thống giám sát thông tin hồ chứa, phục vụ công tác quản lý khai thác và bảo đảm an toàn hồ, đập của các cấp. Về lâu dài, đòi hỏi phải tăng kinh phí đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hồ chứa thủy lợi và hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách trong quản lý khai thác nguồn nước.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường công tác quản lý bảo đảm an toàn hồ chứa, kiểm tra việc vận hành điều tiết các hồ chứa theo quy trình đã được phê duyệt; đồng thời, tổ chức kiểm tra, kiểm định, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa và các công trình thủy lợi trên địa bàn. Đối với các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, các doanh nghiệp cần xây dựng phương án tích nước hợp lý hoặc hạn chế tích nước; đề xuất các cấp bố trí kinh phí sửa chữa nhằm bảo đảm an toàn cho công trình và dân cư vùng hạ du…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất cập trong quản lý, khai thác hồ thủy lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.