(HNMO) - Kết quả giám sát thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai tại 62 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương (TƯ) do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 18-9 cho thấy, việc hoàn thiện pháp luật liên quan đến xử lý đơn thư còn rất nặng nề trước mắt.
Hiện đối với các vụ việc thuộc cơ quan hành chính nhà nước thụ lý giải quyết thì tỷ lệ khiếu nại, tố cáo đúng và khiếu nại, tố cáo có đúng, có sai chiếm 47,8%. Ít có lĩnh vực nào cơ quan nhà nước sai nhiều như thế.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN) |
Khiếu nại đúng và có đúng, có sai là 47,8%
Theo Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu, hầu hết các tỉnh, TP trực thuộc TƯ đều xảy ra các vụ việc KNTC đông người với chiều hướng gia tăng cả về số lượt người và số đoàn đông người. Qua giám sát, đối với các vụ việc thuộc cơ quan hành chính nhà nước thụ lý giải quyết thì KNTC đúng và có đúng, có sai chiếm 47,8%. Tỷ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần tại TAND các cấp chiếm 19,5% các vụ được đưa ra xét xử. Như vậy, việc KNTC của công dân là có cơ sở, quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều thiếu sót. Vậy mà việc nghiên cứu, đánh giá kết quả giải quyết chưa được chú trọng. Đặc biệt, một số kiến nghị sau giám sát không được nghiêm túc thực hiện nhưng các cơ quan của QH, đoàn đại biểu QH không tích cực đôn đốc, kiến nghị xử lý trách nhiệm. Tại tỉnh Quảng Trị, trong số các khiếu kiện về các quyết định hành chính về đất đai đã giải quyết thì có khoảng 30% các đơn thư đúng, 40% vừa đúng vừa sai. Cá biệt, ở tỉnh Thái Bình: đúng: 4%, vừa đúng vừa sai tới 61,3%. Cần Thơ khiếu nại vừa đúng vừa sai: 42%.
Ở TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho rằng chính sách bồi thường vẫn còn bất cập. Nghị định 69 quy định hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân với mức từ 1-5 lần giá đền bù, trong khi đối tượng khác (công nhân, cán bộ) dù cũng bị thu hồi đất thì không được hưởng mức hỗ trợ này. Ngoài ra, giá bồi thường đất nông nghiệp đối với dự án do Nhà nước thu hồi đất thường từ 200.000 - 250.000 đồng/m2 trong khi cũng dự án này nhưng tư nhân chủ động thỏa thuận với người bị thu hồi đất thì giá đền bù có thể lên 5 - 8 triệu đồng/m2. Do đó, dân không khiếu kiện mới là lạ.
Thế nhưng, trong một số trường hợp khiếu nại về đất đai, do pháp luật về đất đai quy định thẩm quyền giải quyết còn mâu thuẫn với Luật khiếu nại, tố cáo nên các cơ quan Nhà nước đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình xem xét giải quyết vụ việc. Quan hệ tranh tụng hành chính là tranh tụng giữa người dân với chính quyền. Do đó, cơ quan Tòa án (nhất là Tòa án cấp huyện) thường ngại thụ lý và khi giải quyết thường bị tác động của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính đang bị khởi kiện.
Cấp trên bao che cho cấp dưới
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, phải sửa các bất cập nêu trên cùng Luật Đất đai càng nhanh càng tốt. Chừng nào cơ quan chức năng không mạnh dạn "dọn sạch” các quy định mâu thuẫn thì sẽ khó có thể tạo chuyển biến trong KNTC của công dân về đất đai.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện thì “đừng nghĩ rằng sửa được chính sách thì khiếu nại tố cáo giảm đi”. Bởi, khiếu nại đúng, đúng một phần đã chiếm gần một nửa số liệu của cơ quan hành chính giải quyết. Kết cục trên cho thấy, rất nhiều lĩnh vực quản lý đất đai Nhà nước đang giao cho chính quyền địa phương và việc thực hiện còn bất cập. Trong khi đó, quy chế kiểm tra hết sức lỏng lẻo. Có nơi ban hành hàng trăm, hàng nghìn văn bản hướng dẫn mà tính thống nhất không có, thậm chí cùng một tỉnh, mỗi huyện hướng dẫn một khác. Như vậy, vấn đề cốt lõi nằm ở bộ máy cán bộ. KNTC chỉ được giải quyết khi tập trung được một bộ máy có đủ năng lực với lực lượng cán bộ tập hợp từ các bộ, ngành liên quan.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh của QH Nguyễn Kim Khoa cung cấp thêm, qua tiếp xúc cử tri ông phát hiện không ít quyết định ban hành sai là do tiêu cực, tham nhũng, cấp trên bao che cho cấp dưới. Có vụ việc ở Phú Thọ, qua 2 đời Tổng Thanh tra Chính phủ không giải quyết được, đến giờ này cũng chưa ổn. Có nơi, chỉ trong 1-2 ngày mà cùng một ông Chủ tịch tỉnh ký ban hành hai quyết định về cùng một vụ việc với ý kiến trái ngược nhau. Ngoài chuyện thiếu trách nhiệm, rõ ràng còn có nguyên nhân quan trọng là vô cảm, thờ ơ trước khiếu kiện của dân..
Thế nhưng, giải quyết án hành chính sai ở đâu, ở cấp nào nhiều nhất UB Kinh tế của QH chưa chỉ ra. Thẩm quyền của người ra quyết định đến đâu, đã xử lý bao nhiêu người ra quyết định sai cũng chưa được làm rõ.
Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Phan Trung Lý nhấn mạnh, mặc dù khối lượng tài liệu được cung cấp qua hoạt động giám sát là rất lớn, nhưng lại quá chung chung, không phân định được những trường hợp cụ thể, “không có tên đất, tên người sai phạm nào cả”! Đây là vấn đề bức xúc, báo cáo không thể bình bình thế này được. Làm rõ được điều này cũng đồng nghĩa vạch được những kẻ cơ hội hoặc tham nhũng và những KNTC về đất đai sẽ giảm.
Cùng ngày, UBTVQH đã xem xét dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Một trong những nội dung đáng chú ý là Ban soạn thảo đưa ra 3 phương án về Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng. Thẩm tra dự án luật, UB Tư pháp của QH nghiêng về phương án 3. Nghĩa là, Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng là cơ quan của Đảng, không phải là cơ quan nhà nước, cho nên luật sửa đổi sẽ không quy định về việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của cơ quan này. Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, cần từng bước mở rộng diện kê khai và phạm vi công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức” theo Nghị quyết TƯ 4 của Đảng khóa XI. Ngoài ra, có ý kiến còn đề nghị, cùng với việc kê khai tài sản của CBCC thì đồng thời cũng cần quy định việc kê khai tài sản, thu nhập của cả bố mẹ, vợ, chồng, con cái (kể cả đã thành niên), anh em ruột của người có nghĩa vụ phải kê khai, góp phần khắc phục tính hình thức và hiệu quả thấp trong công tác kê khai, minh bạch tài sản thời gian qua. Hồ Bách |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.