Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và chăm lo đời sống nhân dân

Hồ Bách| 21/05/2015 06:17

(HNM) - Chính sách khó đi vào cuộc sống; việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng công trình tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là hai nội dung được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm.

Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo trước Quốc hội.


Cử tri bất bình với việc Trung Quốc cải tạo đảo ở Biển Đông

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII cho thấy, cử tri và nhân dân rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. "Đây là hành vi vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và vi phạm Tuyên bố về ứng xử giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC). Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện tốt đường lối đối ngoại, có các chủ trương, giải pháp hiệu quả để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc" - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân báo cáo trước Quốc hội.

Ngoài nội dung nêu trên, các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước tập trung vào những vấn đề thời sự cấp bách khác đang diễn ra hiện nay. Đó là tình hình nông nghiệp, nông dân và nông thôn còn khó khăn; lĩnh vực giao thông, xây dựng, đất đai, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; giáo dục, đào tạo; y tế; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và việc thực hiện cải cách hành chính chưa có những tiến bộ rõ rệt.

Tổng hợp ý kiến, kiến nghị do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày còn phản ánh tâm tư nguyện vọng chung của cử tri và nhân dân, mong muốn việc tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp phải thật sự dân chủ, đoàn kết, phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, đề ra các chủ trương, giải pháp đúng đắn nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện ở mỗi địa phương cũng như toàn quốc, đồng thời lựa chọn được những người thực sự có tài, có đức tham gia cấp ủy đảng các cấp.

Với các vấn đề an sinh xã hội, cử tri cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi năm 2014 đã tạo điều kiện để người lao động được hưởng lương hưu hằng tháng, bảo đảm tốt hơn cuộc sống khi về già. Song do cuộc sống trước mắt mà một bộ phận người lao động có nhu cầu nhận BHXH một lần. Do vậy, thời gian vừa qua, một bộ phận người lao động chưa hoàn toàn đồng thuận với quy định về giải quyết BHXH một lần theo Điều 60 Luật BHXH sửa đổi năm 2014. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nghiên cứu, xem xét để có các giải pháp đáp ứng các nguyện vọng, nhu cầu đa dạng trong việc lựa chọn hình thức hưởng trợ cấp BHXH, phù hợp với quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và điều kiện thực tế.

Tìm đầu ra ổn định cho nông sản

Chính sách về kinh tế, xây dựng, giao thông… có nhiều, nhưng chưa thật sự đi vào cuộc sống cũng là băn khoăn, lo lắng của cử tri. Dẫn chứng điển hình là tình hình phát triển kinh tế chưa thật bền vững, năng suất lao động nhìn chung còn thấp, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không ổn định, nợ công tiếp tục tăng. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ở nhiều địa phương trong những năm qua đã được đầu tư, cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Không chỉ vậy, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi nhưng chậm được xử lý, khắc phục...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới bên lề Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến (đại biểu Quốc hội Đoàn Quảng Trị) khẳng định, các vấn đề cử tri đề xuất không gây ngạc nhiên vì đã diễn ra trong thời gian dài. Tuy nhiên, tại sao công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng đã được các bộ, ngành thực hiện nhưng kết quả còn khiêm tốn? Tại sao điệp khúc "được mùa, mất giá" vẫn tái diễn hết năm này sang năm khác?... vẫn chưa được giải đáp thích đáng. Ông Lê Như Tiến cho rằng, bất cập hiện nay là chất lượng đội ngũ cán bộ công chức đang có vấn đề nhưng thiếu biện pháp lấp lỗ hổng. Dù không đơn vị nào thừa nhận nhưng chắc chắn vẫn tồn tại những đơn vị có cán bộ công chức "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về". Thực tế còn phản ánh, một số cơ quan công quyền phục vụ dân nhưng lại hạch sách dân, phiền nhiễu dân, cơ chế "xin - cho" vẫn còn tồn tại… Bên cạnh đó, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp. Trong khi đó, việc kê khai, công khai tài sản của cán bộ công chức chưa thực hiện nghiêm...

Cũng theo ông Lê Như Tiến, với các phản ánh cụ thể của cử tri và nhân dân về tình hình nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đó có tình trạng nông dân gặp khó khăn khi tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp (gạo, dưa hấu, hành tây, vú sữa, hành tím, thanh long, vải thiều, cá tra), tình trạng "được mùa, mất giá" và ùn ứ hàng hóa trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp diễn ra ở nhiều nơi, rất cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông, doanh nghiệp, nhà quản lý và liên kết theo chuỗi giá trị. Từ đó có cơ sở nâng cao năng suất lao động nông nghiệp, thu nhập cho nông dân...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và chăm lo đời sống nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.