Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ thực vật là bảo vệ môi trường sống

Thế Văn| 11/12/2022 07:13

(HNM) - Thuốc bảo vệ thực vật và phân bón đã được quản lý chặt chẽ thông qua phương thức thẩm định, kiểm soát có hiệu quả công tác đăng ký, công nhận lưu hành trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và hài hòa với các nước trong khu vực. Đồng thời, ngành bảo vệ thực vật tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học… Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT.

Những đổi mới trong công tác bảo vệ thực vật đã mang đến hiệu quả tích cực, góp phần vào thành công nổi bật của nông nghiệp nước nhà. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu cũng như xu thế tiêu dùng đang đặt ra nhiều vấn đề mới với ngành Nông nghiệp nói chung, lĩnh vực bảo vệ thực vật nói riêng như: Sản xuất xanh, tiêu dùng xanh gắn với bảo vệ môi trường... Do vậy, ngành bảo vệ thực vật cũng cần có những thay đổi phù hợp với đòi hỏi thực tế. Không chỉ theo dõi, giám sát dịch bệnh gây hại cho cây trồng, ngành bảo vệ thực vật còn có trách nhiệm bảo vệ môi trường, sự đa dạng sinh học, sự sống của con người và sức khỏe của hơn 100 triệu người dân Việt Nam.

Nỗ lực của ngành bảo vệ thực vật cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng là rất đáng ghi nhận. Thế nhưng, thẳng thắn nhìn nhận, công tác kiểm soát sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Vì nguồn lợi trước mắt, nhiều lúc, nhiều nơi, các đại lý, hộ kinh doanh vẫn buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, chất lượng. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn diễn ra, tác động tiêu cực đến môi trường, gây nhiều hệ lụy trong đời sống… Mặt khác, quy trình sản xuất nông nghiệp vẫn có chỗ chưa phù hợp với thực tế, làm tăng giá thành sản phẩm.

Cùng với việc thay đổi nhận thức, tư duy về công tác bảo vệ thực vật, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, trước hết ngành bảo vệ thực vật cần nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành, qua đó xử lý kịp thời các vấn đề đặt ra và phát sinh từ thực tế. Mặt khác là chủ động giải pháp ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu kéo theo những diễn biến bất thường. 

Để khắc phục những điểm yếu của quy trình, giảm chi phí “đầu vào” cho sản xuất, ngành bảo vệ thực vật cần phối hợp với các địa phương thúc đẩy, mở rộng quy trình sản xuất tiết kiệm. Cùng với đó là tăng cường thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhà sản xuất cũng như người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật về việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Bên cạnh việc xây dựng các quy trình canh tác sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, trách nhiệm với sự tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp…, ngành bảo vệ thực vật cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương tuyên truyền bà con thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng mô hình cánh đồng an toàn, sản xuất thân thiện với môi trường. Và để tiến tới cân đối hài hòa, hợp lý thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sinh học, thì cùng với việc đẩy mạnh hợp tác tìm kiếm, sản xuất các loại thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới, các cơ quan chức năng và địa phương cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. 

Bảo vệ thực vật là bảo vệ môi trường sống, bảo vệ người tiêu dùng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ thực vật là bảo vệ môi trường sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.