Nông nghiệp

Xây dựng những cánh đồng không thuốc bảo vệ thực vật

Ngọc Quỳnh thực hiện 30/03/2025 - 07:14

Phân bón và thuốc bảo vệ thực vật là hai loại vật tư quan trọng trong trồng trọt, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp, sức khỏe người tiêu dùng, cũng như môi trường sinh thái.

Để xây dựng những vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, các ngành chức năng của Hà Nội đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, khuyến cáo người dân sử dụng đúng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo vệ cây trồng, hạn chế tình trạng sử dụng vật tư nông nghiệp không rõ nguồn gốc xuất xứ... Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương.

Khó khăn trong quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

pho-giam-doc.jpg
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương.

- Hiện nay, nông dân tập trung chăm sóc vụ xuân nên việc sử dụng vật tư nông nghiệp tăng cao. Sở Nông nghiệp và Môi trường có khuyến cáo gì, thưa ông?

- Đến nay, tổng diện tích gieo trồng vụ xuân toàn thành phố đạt 20.529ha. Trên cây rau đang xuất hiện một số sâu bệnh, như: Bệnh đạo ôn ở lá, ốc bươu vàng, chuột trên cây lúa, bọ nhảy, sâu xanh bướm trắng, sâu tơ, sâu khoang… nên nông dân thường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Để bảo đảm việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đạt hiệu quả cao, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện quy định của pháp luật liên quan về quản lý, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Bên cạnh tổ chức cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón cho các tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh phân bón trên địa bàn, kết hợp khuyến cáo người dân chỉ sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật có hiệu lực cao, ít độc hại, ít gây ô nhiễm môi trường; tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo đảm chất lượng; Sở cũng chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật phối hợp với phòng chức năng của địa phương, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng; quản lý, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả...

- Ông có thể cho biết việc quản lý, giám sát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp (chủ yếu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) trên địa bàn thành phố ra sao?

- Hiện, trên địa bàn thành phố có 2 xưởng sản xuất gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật; 139 doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; 101 doanh nghiệp phân bón; 92 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng; 3.271 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp. Việc phân cấp quản lý vật tư nông nghiệp được quy định rõ trong Luật Trồng trọt, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (từ cấp thành phố đến xã, phường, thị trấn), tạo sự đồng bộ và hiệu quả trong công tác giám sát. Hà Nội đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực an toàn thực phẩm và chất lượng nông sản nên công tác kiểm tra vật tư nông nghiệp được các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội tăng cường việc chấp hành quy định về thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Trong năm 2024, Sở phối hợp với các địa phương kiểm tra 638 cửa hàng có hoạt động buôn bán vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Qua đó, phát hiện 3 cơ sở vi phạm, xử phạt với số tiền 144,9 triệu đồng.

tuoi-cay.jpg
Chăm sóc cây dưa lưới giống tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quyết Tiến (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Quang Thái

- Việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên địa bàn đã được Hà Nội thực hiện giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, trong công tác quản lý còn gặp khó khăn nào, thưa ông?

- Có thể nói, việc quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn do quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, số hộ sản xuất rất lớn. Trong khi đó, vẫn còn số ít người dân chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ dịch hại. Đặc biệt, một số hộ dân chưa tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng lúc, đúng cách) theo khuyến cáo trên bao bì, nhãn mác của nhà sản xuất, tăng nồng độ so với quy định khi pha chế thuốc, nguy cơ để lại tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản và môi trường, ảnh hưởng tới chất lượng nông sản, sức khỏe cộng đồng. Một số hộ dân vẫn sử dụng phân bón hóa học, ít sử dụng phân bón có nguồn gốc sinh học, phân hữu cơ.

Hiện nay, số lượng cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật lớn, giáp ranh với nhiều tỉnh, do đó các đối tượng dễ lợi dụng để vận chuyển lén lút thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu vào Hà Nội. Đặc biệt, xuất hiện tình trạng buôn bán thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục… thông qua điện thoại, trực tuyến, thuốc bảo vệ thực vật vận chuyển đến địa điểm hai bên thống nhất trước nên lực lượng thanh tra chuyên ngành rất khó phát hiện. Bên cạnh đó còn có các loại chế phẩm diệt côn trùng (không thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp) có chứa hoạt chất không được sử dụng trong nông nghiệp, có bao bì, nhãn mác giống như thuốc bảo vệ thực vật kinh doanh trà trộn... gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm…

Bảo đảm an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái

- Theo ông, để kiểm soát chặt chẽ thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiến tới không còn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng... cần những giải pháp gì?

- Bên cạnh đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật của Nhà nước về quản lý vật tư nông nghiệp nói chung và đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nói riêng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh; Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, Sở sẽ công bố danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Các địa phương cũng cần chủ động thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất về sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thay vào đó là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc…

- Thuốc bảo vệ thực vật nếu sử dụng quá liều lượng, không đúng nguyên tắc sẽ ảnh hưởng lớn sức khỏe người tiêu dùng, môi trường sinh thái. Cần làm gì để tạo sản phẩm nông nghiệp an toàn, thưa ông?

- Sở Nông nghiệp và Môi trường xác định tăng cường công tác quản lý chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chính là góp phần ổn định và nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; bảo đảm an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái.

Theo đó, bên cạnh tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn, đào tạo chuyên sâu về IPM; Sở Nông nghiệp và Môi trường kết hợp tuyên truyền, triển khai xây dựng mô hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái.

Đáng mừng là thời gian qua, các địa phương đã xây dựng một số vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xanh, an toàn, không thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát được chất lượng nông sản, hạn chế gây ô nhiễm môi trường... Tiếp tục nhân rộng vùng sản xuất không thuốc bảo vệ thực vật, đối với cây lúa, ngành Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phối hợp với các địa phương thực hiện đồng bộ các khâu, như: Chọn bộ giống có sức chống chịu tốt, cấy theo SRI mạ non, thưa, rút nước trong một thời gian, chăm sóc từng giai đoạn, bón phân cân đối... Việc này giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh và hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

Đối với cây ăn quả, nông dân thu hoạch xong cần cắt cành, tỉa tán, bón phân cân đối, chủ yếu là phân hữu cơ hoai mục kết hợp vôi, lân; không lạm dụng phân hóa học. Đối với cây rau, nông dân cần được tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn, VietGAP, hữu cơ, sử dụng bẫy bả, bẫy dính để loại trừ sâu hại... Qua đó, hướng tới nền nông nghiệp xanh, an toàn, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng những cánh đồng không thuốc bảo vệ thực vật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.