(HNM) - Cuối năm 2020 là đợt cao điểm các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội tại các đơn vị, doanh nghiệp. Với những trường hợp chây ỳ, cố tình nợ đóng bảo hiểm xã hội kéo dài sẽ bị kiến nghị khởi tố. Việc làm này nhằm bảo vệ các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động.
Gia tăng tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội
Theo Bảo hiểm xã hội Hà Nội, những năm gần đây, đa số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nghiêm túc chấp hành quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Song, do nhiều nguyên nhân, từ đầu năm 2020 đến nay, số đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội tăng nhanh. Tính đến ngày 31-10, toàn thành phố có 68.000 đơn vị đang nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của gần 1,2 triệu người lao động. Số tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội là 4.627 tỷ đồng, chiếm 9,6% kế hoạch thu bảo hiểm xã hội (số nợ năm 2019 chỉ bằng 1,98% kế hoạch thu), trong đó số nợ phải tính lãi là hơn 1.820 tỷ đồng…
Một số doanh nghiệp nợ với số tiền lớn, kéo dài là Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC (quận Hai Bà Trưng) đang nợ 24 tỷ đồng, thời gian nợ là 28 tháng; Xí nghiệp Xây dựng công trình - Cienco 1 (quận Ba Đình) nợ 4,3 tỷ đồng, thời gian nợ là 48 tháng; Công ty cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội (huyện Thanh Trì) nợ 2,3 tỷ đồng, thời gian nợ là 20 tháng…
Trên phạm vi cả nước, số tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội cũng tăng cao. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến ngày 31-10, số tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của cả nước là 21.000 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước và bằng 5,4% kế hoạch thu.
Đáng quan tâm hơn, việc các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Chị Nguyễn Thị Thu, người lao động của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân (quận Hà Đông) chia sẻ: “Do không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong gần 2 năm qua, chúng tôi bị mất rất nhiều quyền lợi. Tháng 8-2020, tôi bị ốm, phải vào bệnh viện điều trị hết gần 20 triệu đồng, nhưng không được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả”.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Nguyễn Thị Anh Thơ cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành, đã có chế tài để xử lý hành vi trốn đóng hoặc cố tình chây ỳ, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Đến thời điểm này, cơ quan bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã kiến nghị khởi tố hơn 300 vụ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, trong đó có 4 vụ đã bị khởi tố về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài ra, cơ quan bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố còn triển khai nhiều biện pháp để thu nợ bảo hiểm xã hội, như: Công khai tên doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng; thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành và liên ngành thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội tại các đơn vị, doanh nghiệp…
Còn theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Nguyễn Đức Hòa, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn thành phố đã ban hành hơn 3.000 quyết định thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Kết quả, đã có 767 đơn vị, doanh nghiệp tự giác nộp 100% số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, sau khi có quyết định thanh tra. Chẳng hạn, Công ty TNHH Tổ hợp y tế Phương Đông Hà Nội (quận Cầu Giấy) nộp đủ số tiền nợ hơn 2,2 tỷ đồng; Công ty cổ phần Xây dựng VNC (quận Hoàng Mai) đã hoàn thành số tiền nợ đóng hơn 1 tỷ đồng… Sau khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng tiếp tục thu hồi nợ đóng bảo hiểm xã hội của 1.497 đơn vị và tỷ lệ thu hồi nợ đạt 60%.
Nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động, Trưởng phòng Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo 4 (Thanh tra thành phố Hà Nội) Phạm Văn Giáp cho biết, từ ngày 23-11 đến 25-12, Đoàn thanh tra liên ngành của thành phố thanh tra 75 đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội kéo dài. Căn cứ vào kết quả thanh tra, tùy theo mức độ, Đoàn thanh tra liên ngành sẽ đề xuất mức xử lý cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Tương tự Hà Nội, thời điểm này, Đoàn thanh tra liên ngành các địa phương khác cũng đang tập trung thanh tra, xử lý các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội. Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh khẳng định, đối với các đơn vị, doanh nghiệp cố tình nợ đóng bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm, đòi lại các quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.