Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ chất lượng giống nòi

Hà Trang| 01/06/2023 10:55

(HNMO) - Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là một biện pháp giúp phát hiện sớm những bệnh lý do rối loạn di truyền, từ đó có biện pháp can thiệp và điều trị kịp thời, hạn chế những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, giảm thiểu người tàn tật, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Tại một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã được thực hiện cách đây 50 năm với tỷ lệ bao phủ 100%. Nhưng tại Việt Nam, nhiều thai phụ chưa hiểu đúng, hiểu rõ về tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Mặt khác, tâm lý sợ đối mặt với tình huống xấu khiến các bà mẹ ngại sàng lọc. Nhiều sản phụ chưa nhận thức rõ về mức độ, nguy cơ dị tật, vẫn muốn giữ lại thai nhi. Số lượng sản phụ chủ động đi sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở nước ta còn thấp, nhiều dị tật thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi thai đã to (ngoài 28 tuần) nên hiệu quả của việc can thiệp sàng lọc trước sinh không cao...

Nhận thức rõ tầm quan của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh, trong Nghị quyết số 21-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới đã xác định mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.

Cùng với đó, để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1999/QĐ-TTg ngày 7-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh đến năm 2030, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp để thực hiện miễn phí gói dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Đặc biệt ưu tiên cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; người dân tại thôn đặc biệt khó khăn; xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo; vùng nhiễm chất độc dioxin.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã ký Quyết định số 569/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu chung của chương trình là phấn đấu đến năm 2030 tăng cường phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, bảo đảm trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp khuyết tật sớm...

Với tỷ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh chiếm 1,5-2% trẻ mới sinh, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng hơn 40.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh, tương đương cứ 13 phút có một trẻ mắc dị tật bẩm sinh ra đời.

Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ nữ đang mang thai và trong độ tuổi sinh đẻ về mục đích, ý nghĩa của việc chẩn đoán bệnh sớm trước khi sinh, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, để người dân chủ động đăng ký khám sàng lọc.

Dị tật bẩm sinh là một trong những bất thường hay gặp ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Sàng lọc trước sinh và sơ sinh được coi là biện pháp hữu hiệu phát hiện dị tật, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh giờ không còn là chuyện của cá nhân, gia đình mà phải được sự quan tâm đặc biệt của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội, vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi và sự phồn vinh của đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ chất lượng giống nòi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.