Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Đan Nhiễm| 30/03/2023 06:00

(HNM) - Những ngày qua, Bộ Nội vụ đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đây là sự cụ thể hóa Kết luận số 14-KL/TƯ ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Thời gian qua, có hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, “giữ an toàn”… do sợ “sai”. Bởi thực tế là bên cạnh số cá nhân bị xử lý kỷ luật, thậm chí vướng lao lý vì tham ô, tham nhũng, cố ý làm trái thì cũng có hiện tượng vô tình phạm lỗi do khách quan. Vì vậy, việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Để cụ thể hóa chủ trương này, dự thảo Nghị định khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung cần có quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nguyên tắc, quy trình, hình thức bảo vệ cán bộ; trình tự, biện pháp triển khai trong trường hợp cấp bách, khẩn cấp khi thực hiện đề xuất vì lợi ích chung để vận dụng trên thực tế…

Trên cơ sở quy định khung, các cấp, ngành tập trung rà soát những bất cập, nhanh chóng sửa đổi, đề xuất sửa đổi những quy định của pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể, ưu tiên những lĩnh vực có ảnh hưởng đến số đông, như: Đầu tư công, quản lý tài chính, y tế, giáo dục… theo hướng rõ ràng, minh bạch hơn; cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Quy định càng cụ thể càng là chỗ dựa tin cậy cho những việc làm đột phá vì lợi ích chung được diễn ra mạnh mẽ, lấn át sự trì trệ đang lẩn khuất đâu đó và có dấu hiệu lan rộng trong bộ máy quản lý hiện nay. Việc này cần làm thường xuyên, liên tục để vừa bảo đảm tính chặt chẽ trong quản lý, giáo dục; vừa không cho kẻ xấu lợi dụng, đồng thời tạo sự yên tâm cho cán bộ thực thi nhiệm vụ.

Một yếu tố khác không kém phần quan trọng nhằm thúc đẩy cán bộ dám đột phá chính là công tác đánh giá cán bộ. Hiện nay, công tác này trong nhiều trường hợp dựa phần lớn vào lá phiếu. Điều này là đúng nhưng cần nhìn nhận thực tế, lá phiếu không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác nhất, vì cũng có quan điểm cho rằng “không làm thì không sai, làm nhiều thì sai nhiều”. Cho nên, ai tròn trịa, không làm, “dĩ hòa vi quý” thì tỷ lệ phiếu cao. Còn ai đã làm thì phải đụng chạm, đặc biệt là những suy nghĩ, việc làm có lợi cho tập thể nhưng lại không phù hợp với mong muốn của một số cá nhân, ảnh hưởng đến lợi ích của họ, dẫn đến việc có thể bị phiếu thấp. Vì vậy, thực tế rất cần có cơ chế bảo vệ, khuyến khích những người mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để họ cống hiến được nhiều hơn cho Đảng, cho Nhà nước, cho nhân dân. Bác Hồ từng nhắc nhở: “Lắng nghe ý kiến quần chúng nhưng tuyệt đối không nên “theo đuôi” quần chúng”.

Dám nghĩ, dám làm không phải làm liều, làm bừa mà là có cơ sở lý luận và thực tiễn, có sự tính toán thận trọng, toàn diện khi triển khai một ý tưởng, một công việc. Thực tiễn cuộc sống cho thấy, cái mới ra đời chưa bao giờ là suôn sẻ. Vì vậy, chúng ta phải có cơ chế để khuyến khích cho những ý tưởng mới, cách làm hay, những việc chưa có tiền lệ, thậm chí là chưa phù hợp với quy định, quy trình hiện hành. Có như vậy mới kích thích sự sáng tạo, đổi mới, đưa đơn vị, địa phương và đất nước phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.