(HNM) - Bảo vệ bản quyền tác phẩm văn học, nghệ thuật trên không gian mạng là vấn đề quan trọng, góp phần thúc đẩy thành quả sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Cùng với các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân liên quan, thế hệ trẻ là đối tượng tiên phong và có khả năng đóng góp tích cực trong việc thực hiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trên không gian mạng.
Còn vô tư vi phạm bản quyền
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, thời gian qua, công nghệ số đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, cuộc biểu diễn, bản ghi âm ghi hình, chương trình phát sóng. Song, môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan.
Hiện tại, trên thế giới có khoảng 1,8 tỷ người dưới 24 tuổi và 90% trong số này đang sinh sống tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông), Việt Nam là một trong 20 nước có số người sử dụng internet cao nhất thế giới. Hầu hết giới trẻ đều lên mạng hằng ngày, tham gia vào việc sáng tạo, sử dụng nội dung văn học, nghệ thuật. Trong quá trình đó, rất nhiều người đã vô tình hoặc cố ý vi phạm bản quyền.
Luật sư Phan Vũ Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law Việt Nam nhắc lại vụ việc vài năm trước, một thanh niên 19 tuổi quay lén rồi phát trực tuyến phim “Cô Ba Sài Gòn” trên mạng xã hội và nhiều trường hợp khác cũng có hành vi tương tự đã gây những tổn thất cho nhà sản xuất, với số tiền nhiều tỷ đồng, nhưng khi bị phát giác, các đối tượng này đều không biết mình đã vi phạm pháp luật. Hay trang phim lậu phimmoi.net dù bị chặn nhiều lần, nhưng vẫn “mọc” ra vô số phiên bản khác mà không cần quảng cáo, vì người xem tự tìm đến, tự lan truyền.
Tương tự, trong lĩnh vực văn học, âm nhạc, sân khấu, nhiều bạn trẻ vẫn vô tư “tiếp tay” cho việc vi phạm bản quyền khi đọc, xem các bản sao chép lậu trên mạng. Thậm chí, có nhiều người sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật để sản xuất những nội dung khác đưa lên mạng xã hội, mà không xin phép hay trả tác quyền…
Tham gia tìm hiểu về vấn đề bản quyền và sáng tạo nội dung trên không gian mạng, sinh viên Nguyễn Thu Trang (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) thừa nhận: “Trước đây, do chưa hiểu biết đầy đủ, tôi thấy mình đã vô tư tiếp tay cho hành vi vi phạm bản quyền trên không gian mạng. Hiện giờ, tôi đã nhận thức được nhiều vấn đề và rất mong muốn được hỗ trợ để sáng tạo những nội dung số mà không vi phạm bản quyền”.
Ý thức và hành động
Dù vô tình hay cố ý thì việc vi phạm bản quyền tác phẩm văn học, nghệ thuật của một bộ phận người trẻ đang là vấn đề nhức nhối. Theo Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Xuân Bắc, các bạn trẻ có nhu cầu cao trong việc thưởng thức các sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật, nhưng phần vì không muốn tốn tiền, phần vì thích nhanh, tiện nên đã chọn các bản lậu tràn lan trên mạng. Thực trạng này không những gây thiệt hại trực tiếp cho đơn vị sản xuất nội dung, vì sẽ giảm lượng người đến thưởng thức trực tiếp, mà còn dần triệt tiêu cảm hứng sáng tạo của văn nghệ sĩ.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) chia sẻ, VCPMC đang sử dụng hệ thống công nghệ hiện đại trong quản lý, phát hiện sai phạm về quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc. Trung tâm cũng đã ký hợp đồng song phương với 84 tổ chức bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tương ứng trên thế giới, với phạm vi điều chỉnh ở 129 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi năm, doanh thu của trung tâm khoảng 1.000 tỷ đồng, nộp thuế gần 90 tỷ đồng. Rất nhiều hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng được trung tâm phát hiện và hỗ trợ xử lý. Điều này giúp các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc và nhiều bạn trẻ yên tâm ủy thác nội dung sáng tạo.
Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Quang Tự Do cho biết, bảo vệ bản quyền trên không gian mạng là hoạt động đặc thù, đang được sự chung tay thực hiện của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các doanh nghiệp, tổ chức, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm… Tuy nhiên, việc nâng cao ý thức của người dân, nhất là thế hệ trẻ vô cùng quan trọng. “Số tiền bỏ ra để sử dụng các nền tảng có bản quyền rất rẻ. Nếu mọi người đều có ý thức không sử dụng sản phẩm bản lậu, thì vấn đề vi phạm bản quyền sẽ bớt dần”, ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.
Để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong thế hệ trẻ, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Thị Kim Oanh cho hay, Bộ đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có những nội dung điều chỉnh về thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng. Bộ cũng phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về quyền tác giả, quyền liên quan tại các trường học; chủ động hỗ trợ các bạn trẻ về vấn đề này…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.