Văn hóa

Bảo vệ bản quyền báo chí: Hợp lực để có chế tài mạnh hơn

Hoàng lân 13/09/2023 - 12:07

Sáng 13-9, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Hội Truyền thông số Việt Nam, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số” với sự tham dự của gần 200 đại biểu.

Hội thảo nhằm nâng cao năng lực bảo vệ và khai thác bản quyền tác phẩm báo chí trong kỷ nguyên số cho các tòa soạn, nhà báo...

4.jpg
Hội thảo Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số (Ảnh: ĐBND).

Vi phạm tràn lan

Trong kỷ nguyên số, vấn đề bản quyền tác phẩm báo chí đối diện với nhiều thách thức mới. Vi phạm bản quyền nội dung số diễn ra phổ biến với tốc độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, phạm vi ngày càng rộng. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu, uy tín, thương hiệu của các cơ quan báo chí cũng như công cuộc chuyển đổi số báo chí.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí - truyền thông hiện nay.

Theo bà Phạm Thị Thanh Huyền, Tổng Biên tập báo Đại biểu Nhân dân, cách mạng 4.0 đã mang đến sự thay đổi lớn lao về công nghệ. Nhờ chuyển đổi số, nhiều cơ quan báo chí ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại hơn. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số báo chí cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề bản quyền trên môi trường số, đòi hỏi có giải pháp bảo vệ hiệu quả, đặc biệt là giải pháp công nghệ và hoàn thiện hành lang pháp lý.

2(1).jpg
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng phát biểu (Ảnh: ĐBND).

Các đại biểu cho rằng, tình trạng vi phạm bản quyền báo chí đang gia tăng. Theo Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức, hiện nay có khoảng 2.000 trang thông tin tổng hợp sao chép với tốc độ rất nhanh nội dung thông tin của các cơ quan báo chí.

“Điều nguy hiểm là đa số trang tin này không có cơ quan quản lý, không có người chịu trách nhiệm, không có giấy phép hoạt động. Việc sao chép, vi phạm bản quyền này khiến các cơ quan báo chí bị thiệt hại lớn, trong khi các trang này lại chỉ ngồi không hưởng lợi từ các nguồn thu quảng cáo...”, nhà báo Nguyễn Minh Đức cho biết.

3(1).jpg
Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức trình bày tham luận (Ảnh: ĐBND).

Ở lĩnh vực truyền hình, tình trạng vi phạm bản quyền cũng đang xảy ra tràn lan. Ông Nguyễn Thanh Vân, Phó Trưởng ban Kiểm tra - Đài Truyền hình Việt Nam cho biết: Đài Truyền hình Việt Nam thường xuyên bị đánh cắp bản quyền nội dung. Nhiều trang mạng còn mạo danh logo, thương hiệu của Đài để cắt ghép nội dung sai lệch; quảng cáo, bán thuốc đông y... Điều này gây nguy hại lớn trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, ảnh hưởng đến uy tín của Đài Truyền hình quốc gia.

“Đài Truyền hình Việt Nam có Ban Kiểm tra với lực lượng 40-50 nhân sự mà còn gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm bản quyền”, ông Nguyễn Thanh Vân chia sẻ.

Cần quy định pháp lý cụ thể

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp để việc bảo vệ bản quyền báo chí trên nền tảng số hiệu quả hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, vi phạm bản quyền cũng chính là vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa người làm báo. Vì thế, các cơ quan báo chí cần tăng cường giáo dục đạo đức, văn hóa cho nhà báo.

“Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số cần có bộ công cụ số để các quan báo chí nhận diện thương hiệu, làm nhãn bản quyền. Các cơ quan báo chí cần hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau bảo vệ bản quyền nội dung”, bà Đỗ Thị Thu Hằng đề xuất.

5(1).jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam trình bày tham luận (Ảnh: ĐBND).

Theo Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Hiển, cần quy định rõ hơn về bản quyền trong luật chuyên ngành là Luật Báo chí; Hội Nhà báo Việt Nam cần thành lập Trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí; bổ sung quy định về bản quyền báo chí trong Luật Sở hữu trí tuệ...

Đồng tình quan điểm này, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức kiến nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Thông tư riêng về vấn đề bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí.

“Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam có thể nghiên cứu giới thiệu một nền tảng dùng chung cho các cơ quan báo chí để quản lý việc bảo vệ bản quyền nội dung. Các cơ quan báo chí sẵn sàng chia sẻ kinh phí dùng chung theo nguồn lực tài chính của mình. Bên cạnh đó, cần phải có chế tài mạnh xử lý vi phạm”, nhà báo Nguyễn Minh Đức nêu ý kiến.

Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi sâu về các giải pháp giúp bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số đạt hiệu quả cao nhất; trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp công nghệ và đề xuất nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ bản quyền.

Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam về “Nâng cao năng lực, kiến thức thực thi pháp luật bản quyền, phổ biến kiến thức và đạo đức văn hóa cơ quan báo chí trong thực thi bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ bản quyền báo chí: Hợp lực để có chế tài mạnh hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.