Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đào tạo là vấn đề sống còn của báo chí số

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng| 20/06/2023 06:36

(HNM) - Tháng 3-2022, báo Nhân Dân trích dẫn nguồn tin từ Bloomberg: “Doanh thu từ mảng digital của New York Times đã lần đầu tiên vượt doanh thu từ báo in trong quý II năm 2020, một dấu mốc quan trọng trong lịch sử 169 năm phát triển của tờ báo này”. Tờ New York Times tập trung vào chiến lược nội dung số và nhân lực số. Nhìn ra thế giới để thấy rằng, báo chí Việt Nam cần giải bài toán về chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nhân lực để đáp ứng được yêu cầu của báo chí số hiện nay.

Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đi thực tế viết bài về di sản quan họ tại tỉnh Bắc Ninh.

Thích ứng và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số

Ở giai đoạn lịch sử nào của nền báo chí cách mạng Việt Nam, những người làm báo cũng đều phải có đủ tiêu chuẩn về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, phẩm chất chính trị. Người làm báo có dám dấn thân hay không, có đủ khéo léo để bảo vệ được bản thân, đồng nghiệp, nhân chứng, nguồn tin của mình hay không, điều đó phụ thuộc rất lớn vào tâm, tài, đức của chính họ. Nói cách khác, phẩm chất và năng lực (nghiệp vụ) là hai mặt cơ bản của nhân cách nhà báo cách mạng.

Hiện nay, chuyển đổi số tạo ra thách thức lớn đối với các cơ quan báo chí nói chung, người làm báo nói riêng, buộc các nhà báo và các cơ quan báo chí phải thích ứng và đáp ứng. Muốn theo kịp sự phát triển của chính phủ số, xã hội số, nền kinh tế số, báo chí không thể đứng ngoài cuộc. Để “trụ” được với nghề, người làm báo thời đại số có thêm những yêu cầu mới về phẩm chất và năng lực. Chuyển đổi số vừa tạo ra cơ hội đồng thời là thách thức lớn với các cơ quan báo chí, nhất là khi họ vừa phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, chất lượng các sản phẩm cũng như độ nhanh nhạy, chính xác, kịp thời về thông tin, đồng thời phải bảo đảm kinh tế báo chí, đầu tư cho sự phát triển.

Người làm báo muốn cập nhật, bổ sung, đào sâu về kiến thức, học và rèn kỹ năng sao cho đáp ứng tốt yêu cầu của công việc trong bối cảnh hiện nay cần trải qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng, để chuyển sự thay đổi về “lượng” thành sự thay đổi về “chất”. Có nghĩa là, không thể giải bài toán nguồn nhân lực bằng một vài khóa tập huấn nghiệp vụ. Các cơ quan báo chí cần có chiến lược bồi dưỡng nhà báo về nghiệp vụ, có giải pháp nhằm thúc đẩy sự tu dưỡng của người làm báo về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp.

Do đó, việc đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan báo chí, tự đào tạo bồi dưỡng, tự tu dưỡng của bản thân mỗi nhà báo là yêu cầu căn bản, cấp bách, có tính sống còn trong bối cảnh phát triển báo chí số hiện nay. 

Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí chất lượng cao do Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Thái Nguyên tổ chức (tháng 5-2023).

Còn khoảng cách so với yêu cầu từ thực tiễn

Để có lực lượng người làm báo đáp ứng yêu cầu hiện nay, công các đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm báo được các cơ quan chức năng đặc biệt chú trọng. Hệ thống cơ sở đào tạo có ngành báo chí, truyền thông trong cả nước đã, đang có những bước tiến mang tính bứt phá.

Những năm gần đây, các cơ sở đào tạo cử nhân báo chí, điển hình là cái “nôi” Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có những bước đổi mới mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng chương trình, giáo trình, đáp ứng nhu cầu về nhân lực trẻ của ngành báo chí. Các ngành đào tạo như truyền thông đại chúng, truyền thông đa phương tiện, truyền thông quốc tế, xuất bản điện tử đã cho ra những khóa đầu tiên, qua phản hồi của các cơ quan báo chí nơi sinh viên công tác sau khi ra trường là tích cực.

Không hiếm sinh viên ra trường mới chỉ một hai năm đã có tác phẩm báo chí đoạt giải quốc gia, quốc tế. Từ kiến thức, kỹ năng đa dạng, hiện đại đã được đào tạo, nhóm lao động trẻ này góp phần tạo ra động lực cho việc đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tinh thần học tập, bồi dưỡng suốt đời cho thế hệ trước, tạo ra những nhóm tác giả với tầng độ tuổi khác nhau, qua đó tạo ra sự chuyển biến về chất lượng nguồn nhân lực ở các cơ quan báo chí. Nói cách khác, lao động trẻ mang đến luồng gió mới, sự đổi mới sáng tạo cho nhiều cơ quan báo chí. Nhằm kết nối nguồn nhân lực mới đào tạo với các cơ quan báo chí, các cơ sở đào tạo báo chí thường xuyên ký hợp tác với cơ quan báo chí, thường xuyên gửi sinh viên đến thực tập theo nhiều hình thức khác nhau, trong đó có cả chế độ thực tập sinh.

Bậc đào tạo sau đại học ngành báo chí cũng có bước tiến rất mạnh, giúp cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp tiếp cận lý thuyết, phân tích thực tiễn, xác định xu hướng phát triển báo chí truyền thông cho người học; hỗ trợ, thúc đẩy người học chủ động nghiên cứu đổi mới sáng tạo theo hướng báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu…

Nhiều yếu tố cộng hưởng giúp đội ngũ người làm báo ở nước ta hiện nay có năng lực thích nghi nhanh với yêu cầu chuyển đổi từ nền báo chí truyền thống sang nền báo chí số. Nhiều cơ quan báo chí tích cực đổi mới, chủ động đầu tư công nghệ, trang thiết bị, đồng thời trau dồi kiến thức, kỹ năng làm báo hiện đại cho người lao động thông qua các lớp bồi dưỡng, khóa tập huấn... Tuy nhiên, so với yêu cầu đổi mới đa dạng hiện nay thì vẫn có những người chưa đáp ứng tốt công việc, một số cơ quan báo chí chưa theo kịp sự thay đổi. Sức “ỳ" của các nhà báo ở độ tuổi trên 40 là khá lớn. Xét về tổng thể, chất lượng nguồn nhân lực của ngành báo chí còn khoảng cách so với yêu cầu từ thực tiễn.

Lễ tốt nghiệp lớp Cao học Báo chí K18 Học viện Báo chí và Tuyên truyền tại thành phố Hồ Chí Minh.

Cơ quan báo chí cần chủ động đổi mới, người làm báo cần có “lửa”

Để thích ứng với sự thay đổi trong xu thế chuyển đổi số, mỗi cơ quan báo chí luôn phải có sự đổi mới và có sự kết nối đồng bộ giữa 4 yếu tố, đó là nội dung số, công nghệ số, công chúng số và kinh tế số. Các yếu tố này đặt ra yêu cầu về vị trí công việc cũng như nguồn nhân lực phải phù hợp với mô hình tòa soạn, sự đầu tư cho các yếu tố cũng phải cân đối. Công nghệ quá cao, có thể lực lượng nhân sự hiện có không sử dụng được, còn công nghệ thấp lại không đáp ứng được yêu cầu đổi mới…

Vì thế, ngoài việc đầu tư vào công nghệ như là yếu tố quan trọng, các cơ quan báo chí không thể quên đầu tư cho “tài sản” lớn nhất, tài sản tạo nên thương hiệu - người làm ra các sản phẩm báo chí. Thực tế cho thấy, mỗi người làm báo là một bản thể với năng lực đa dạng, càng đa dạng bao nhiêu càng làm giàu cho cơ quan báo chí bấy nhiêu. Thế nên, các cơ quan báo chí cần có kế hoạch, chiến lược khai thác, phát huy tối đa năng lực đa dạng của người làm báo.

Cách thức khai thác nguồn nhân lực từ mỗi cơ quan báo chí khác nhau sẽ khác nhau, theo từng giai đoạn lại có những yêu cầu và nhiệm vụ mới. Với những cơ quan có điều kiện để tuyển dụng lao động thì nên ưu tiên tuyển dụng lao động trẻ được đào tạo bài bản. Sau đó, các cơ quan tiến hành bồi dưỡng cho lực lượng này về tôn chỉ, mục đích, tính đặc thù, thương hiệu, cách làm việc của cơ quan, giúp người làm báo trẻ làm việc đúng tôn chỉ, mục đích, đưa thông tin đến đúng đối tượng bạn đọc.

Người làm báo trẻ thường nhanh nhạy, nhưng kiến thức xã hội và kinh nghiệm chưa nhiều, còn người làm báo lớn tuổi hơn thường giàu kiến thức, kinh nghiệm, nhưng lại thiếu sự nhanh nhạy, chậm thích ứng với sự đổi mới. Do đó, người đứng đầu các cơ quan báo chí cần “điều quân, khiển tướng” sao cho các thế hệ người làm báo dung hòa, bổ sung cho nhau, tạo ra những nhóm làm việc tốt nhất trên nhiều phương diện.

Những cơ quan báo chí chưa có điều kiện bổ sung lực lượng lao động trẻ thì nên tối ưu hóa nguồn lực nội tại, tận dụng cơ hội hỗ trợ từ bên ngoài. Trước tiên là từ nguồn lực của các cơ quan quản lý theo ngành dọc. Phương án khác là đi thuê hoặc hợp tác, học hỏi cơ quan, đối tác khác. Dù theo hướng nào thì các cơ quan cũng khó có đủ kinh phí, sức lực để dàn trải nguồn lực, thay vào đó nên chọn những khâu, điểm trọng tâm, những nhóm ưu tiên để đầu tư, từ nhóm ưu tiên đó tạo ra hiệu ứng phát triển.

Cùng với việc được đào tạo, bồi dưỡng từ nhà trường, cơ quan nơi làm việc, người làm báo cần chủ động tự trang bị kiến thức, kỹ năng. Học từ các chuyên gia, từ sách vở, từ hệ thống đào tạo trực tuyến, từ đồng nghiệp, học qua cách phản biện trước các sự kiện, vấn đề... Người làm báo có thể tìm những tác phẩm đạt giải báo chí quốc gia thuộc lĩnh vực của mình để học hỏi từ đồng nghiệp về cách làm, kỹ thuật trình bày, cách kể chuyện…

Cơ quan báo chí cũng giống như một cỗ máy, muốn cỗ máy vận hành tốt thì phải bảo dưỡng, cải tiến thường xuyên. Theo đó, cơ quan báo chí phải quan tâm đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực một cách phù hợp. Còn người làm báo cần tạo ra những sản phẩm báo chí tích cực và có ý nghĩa truyền cảm hứng, góp phần tạo ra mối liên kết trong xã hội, làm cho xã hội đẹp hơn mỗi ngày. Nói cách khác, người làm báo cần có “lửa” và truyền ngọn lửa tích cực đến công chúng.

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng
Trưởng ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam

Tiến sĩ Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội):
Đưa kiến thức, kỹ năng về truyền thông đa phương tiện vào giảng dạy

Chúng ta đã bàn nhiều về cơ hội và thách thức của báo chí trong quá trình chuyển đổi số. Nhưng theo tôi, mọi quá trình thay đổi đều phụ thuộc vào yếu tố con người. Chúng ta cần một thế hệ người làm báo có trình độ, kỹ năng thích nghi được với sự chuyển đổi. Nhiệm vụ này trước hết thuộc về các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng người làm báo.

Các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông hiện gặp thách thức là làm thế nào để vừa đảm bảo tính hàn lâm, học thuật nhưng không bị tụt hậu so với thực tế. Hiểu rõ điều này, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông nhất quán mục tiêu: Đào tạo ra những nhà báo có nền tảng kiến thức sâu rộng, đồng thời cập nhật nhanh các xu hướng thay đổi của xã hội cũng như khoa học công nghệ.

Kiên trì với chủ trương đào tạo kiến thức nền tảng cho các nhà báo tương lai, chương trình đào tạo đại học của Viện còn chú trọng đưa kiến thức, kỹ năng về truyền thông đa phương tiện, truyền thông xã hội, truyền thông hội tụ... vào giảng dạy. Trong lần chỉnh sửa chương trình đào tạo mới nhất, chúng tôi đã bổ sung môn học Công nghệ truyền thông số. Đây là môn học cập nhật kiến thức, kỹ năng liên quan tới công nghệ báo chí truyền thông mới, như hệ thống hội tụ SMAC, thuật toán và ứng dụng thuật toán trong báo chí truyền thông, công nghệ Bigdata, trí tuệ nhân tạo, công nghệ phân tích dữ liệu, công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường...

Cùng với đó, khóa học ngắn hạn “Kỹ năng chuyển đổi số báo chí” cũng kịp thời được thiết kế và ban hành để phục vụ việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo, cơ quan báo chí.

Minh Ngọclược ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo là vấn đề sống còn của báo chí số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.