Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vật quý tại bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam

Mai Hoa| 09/04/2015 06:36

(HNM) - Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (BTLSQS) đang lưu giữ 4 hiện vật mới được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là bảo vật quốc gia, trong đó có một bảo vật gắn liền với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Các đại biểu tham quan bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.



Thể hiện ý chí, lòng quyết tâm, trí tuệ

Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh là tấm bản đồ miền Nam Việt Nam can 12 mảnh, phía trên có chữ "Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh", phía dưới góc bên phải bản đồ có chữ viết "Làm tại Chỉ huy Sở, ngày 22-4-1975", đồng chí Phạm Hùng - Chính ủy Chiến dịch ký tên là Bảy và chữ ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh Chiến dịch. Tấm bản đồ này được các cán bộ Phòng Tác chiến, Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cùng cán bộ tác chiến Bộ Tổng Tham mưu thực hiện từ ngày 15-4-1975, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy chiến dịch tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh ở căn cứ Tà Thiết, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Sau nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, xin ý kiến của Bộ Chỉ huy chiến dịch, Quân ủy TƯ và Bộ Chính trị, ngày 22-4-1975, Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh hoàn thành, thể hiện 5 hướng tiến công của các binh đoàn chủ lực và các đơn vị tiến công vào Sài Gòn. Sau khi Bộ chỉ huy chiến dịch duyệt lại lần cuối cùng, Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Hùng - Bí thư TƯ Cục miền Nam, Chính ủy Chiến dịch Hồ Chí Minh cùng ký lên bản đồ với sự chứng kiến của đồng chí Lê Đức Thọ - đại diện Bộ Chính trị BCH TƯ Đảng tại mặt trận và các đồng chí trong Bộ Chỉ huy Chiến dịch.

Các cán bộ Phòng Kiểm kê - Bảo quản của BTLSQS Việt Nam cho biết: Tấm bản đồ này đã được Đại tướng Văn Tiến Dũng lưu giữ từ năm 1975 đến năm 1990. Nhân kỷ niệm 15 năm Ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/1990), Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên UV BCT, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao tặng tấm Bản đồ này cho Bảo tàng Quân đội, nay là BTLSQS Việt Nam. Một số nhân chứng có mặt tại Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh chứng kiến sự kiện chiều ngày 22-4-1975 như Thiếu tướng Hoàng Dũng, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu, năm 1975 là cán bộ tác chiến Bộ Tổng Tham mưu; Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, năm 1975 là Trưởng phòng Tác chiến Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam; Đại tá Trần Văn Báu - Bí thư Quân sự của Đại tướng Văn Tiến Dũng… đều khẳng định: Bản đồ "Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh" do bộ phận tác chiến biên soạn là bản đồ quyết tâm duy nhất được Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh Chiến dịch và đồng chí Phạm Hùng - Chính ủy Chiến dịch cùng ký phê duyệt.

Có thể khẳng định tấm bản đồ này đã thực sự thể hiện quyết tâm chiến đấu, đoàn kết nhất trí cao của tập thể Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tại lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia này, Thiếu tướng, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Xuân Năng đã khẳng định: "Tấm bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh là kết quả của cả một quá trình lao động sáng tạo, sự tập trung trí tuệ cao độ của tập thể Bộ Chỉ huy Chiến dịch để thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy TƯ trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Bản đồ góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là tấm bản đồ thể hiện ý chí, quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta".

Xem bảo vật, sống lại ký ức hào hùng

Hiện nay, BTLSQS Việt Nam đang lưu giữ hàng vạn hiện vật quý, trong đó có nhiều hiện vật có đủ tiêu chí "bảo vật quốc gia". Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thiếu tướng, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Xuân Năng, các cán bộ Phòng Kiểm kê - Bảo quản đã tập trung xây dựng hồ sơ hai hiện vật, gồm Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh và Máy bay MiG 21 số hiệu 4324 là bảo vật quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ công nhận cho đợt này. Trong đó, tấm Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh không chỉ mang giá trị lịch sử quân sự, mà còn là hiện vật gắn liền với dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chính vì vậy, các cán bộ Phòng Kiểm kê - Bảo quản đã tiến hành xác minh, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, khai thác thông tin, sưu tầm tư liệu, các hình ảnh, bài báo, bài viết về tấm bản đồ mang ý nghĩa lịch sử này. Ngày 14-1-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận 12 hiện vật và nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia đợt 3, trong đó có Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Bảo vật quốc gia cần có chế độ bảo quản đặc biệt, theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa. Chính vì vậy, việc gìn giữ, bảo quản và phát huy giá trị lịch sử của bảo vật quốc gia này, cũng như 3 bảo vật quốc gia còn lại (máy bay MiG-21 số hiệu 4324, máy bay MiG-21F96 số hiệu 5121, xe tăng T54B số hiệu 843) và các hiện vật lịch sử quân sự khác hiện đang trưng bày tại bảo tàng là trách nhiệm, cũng là vinh dự của những người làm công tác quản lý và chuyên môn của BTLSQS Việt Nam. Hiện tại, Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh đang được trưng bày tại phòng trưng bày Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của Bảo tàng. Trong những ngày hướng tới kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Phòng trưng bày đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng trong nước và bạn bè quốc tế. Trong đó, có nhiều cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh đã rất xúc động khi được xem bảo vật Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, nhiều cựu binh bày tỏ mong muốn Bảo tàng sẽ có kế hoạch lưu giữ lâu dài, có những giải pháp trưng bày phù hợp nhằm giới thiệu tới đông đảo nhân dân và bạn bè quốc tế để hiểu hơn về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta. Qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vật quý tại bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.