Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tồn Hội trường Thống Nhất: Phải bảo đảm ba mục tiêu chính

Hà Phạm| 13/03/2013 07:25

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 410/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Hội trường Thống Nhất (trước gọi là Dinh Độc Lập, quận 1), TP Hồ Chí Minh.



Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Hội trường Thống Nhất được ban hành nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử thông qua các di tích hiện còn. Mục đích của việc này là tôn tạo kiến trúc cảnh quan, tạo điều kiện thuận lợi khai thác du lịch nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, phổ biến tri thức khoa học, phục vụ nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - du lịch của thành phố. Quy hoạch được thực hiện trên diện tích 12,695ha (bao gồm diện tích các khu vực bảo vệ di tích hiện tại). Điểm đáng lưu ý trong quy hoạch là để bảo đảm bảo tồn cảnh quan di tích, trong bán kính từ 300 đến 500m (tính từ dinh thự chính), chiều cao các công trình giảm dần về phía dinh, hạn chế xây dựng các cao ốc hiện đại; trong bán kính từ 200 đến 300m (tính từ dinh thự chính), giữ nguyên trạng, không tăng chiều cao các công trình đang cao hơn dinh thự chính (26m); các công trình xây dựng mới có hình thức kiến trúc, màu sắc phù hợp với không gian di tích.

Theo Thạc sĩ Phạm Sanh, chuyên gia quy hoạch và hạ tầng đô thị (ĐH Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh), trong 4 trục đường bao quanh Hội trường Thống Nhất, đường Nguyễn Thị Minh Khai đang có một số tòa cao ốc gây ảnh hưởng đến không gian cho khu vực cần được bảo vệ và tôn tạo. Thạc sĩ Phạm Sanh cho rằng không thể đổ lỗi bởi các công trình cao tầng trên đã có trước quy hoạch. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Công ty Tư vấn chiến lược phát triển và thiết kế kiến trúc quy hoạch (NVD) cho rằng, các công trình cao tầng đã xây dựng trước đó được xem như hiện trạng và cần được cải tạo lại cho phù hợp khi có nhu cầu nâng cấp hoặc phát triển.

Theo ông Hồ Quang Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP, Hội trường Thống Nhất là một trong số ít những công trình vừa mang tính lịch sử, vừa là một trong những công trình mang bản sắc kiến trúc đặc sắc của nước ta trong thế kỷ XX. Do vậy, việc bảo tồn không chỉ riêng đối với công trình, mà còn cả không gian khu vực lân cận. Do đó, các cơ quan chức năng và chính quyền thành phố cần phải xem xét thật kỹ và thực hiện đúng quy định trước khi xây bất cứ một công trình nào trong khu vực giới hạn bảo vệ.

Ông Ngô Viết Nam Sơn đề xuất thêm, đối với khu vực tiếp giáp vùng quy hoạch như các tuyến đường Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Đình Chiểu, Rạch Thị Nghè, Lê Thánh Tôn (quận 1) có thể phát triển nhà cao tầng hiện đại. Tuy nhiên, nếu các cao ốc ở đây vướng vào các công trình lịch sử đơn lẻ thì cần phải có những cân nhắc về thiết kế cho phù hợp.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, Nhà nước cũng cần đầu tư cải tạo một số công trình phụ trợ mang tính tương tác văn hóa xã hội với Hội trường Thống Nhất như bảo tàng, triển lãm…; nghiên cứu và xuất bản các ấn phẩm đa ngữ, đa ngành, giới thiệu các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan…; tổ chức một khu vực triển lãm giới thiệu hình ảnh và tư liệu về lịch sử, quá trình phát triển và bảo tồn Hội trường Thống Nhất. Có như vậy mới bảo đảm được ba mục tiêu chính của bảo tồn là giáo dục truyền thống lịch sử, du lịch văn hóa và tổ chức sự kiện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn Hội trường Thống Nhất: Phải bảo đảm ba mục tiêu chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.