(HNMO) - Bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, vùng áp thấp và tan dần trên khu vực vùng núi phía Bắc. Ảnh hưởng của bão số 3, Hà Nội mưa lớn, gió mạnh làm úng ngập 185ha lúa, hoa màu, gãy đổ 58 cây xanh...
Tiếp tục mưa, mực nước sông Tích, Bùi lên nhanh
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cho biết, sau khi đi vào khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sáng sớm nay (26-8), áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp và tan dần trên khu vực vùng núi phía Bắc. Do ảnh hưởng của vùng áp thấp suy yếu từ bão số 3 nên sáng nay, thành phố Hà Nội có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông, sau giảm mưa. Tổng lượng mưa tại khu vực trung tâm và các huyện phía Bắc, phía Tây thành phố 30-50mm, có nơi lớn hơn; các huyện phía Nam 20-40mm, có nơi lớn hơn.
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3 nên từ 7h ngày 25-8 đến 7h ngày 26-8, trên địa bàn thành phố xảy ra mưa lớn; tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm, có nơi lớn hơn như thị xã Sơn Tây 199,8mm. Mưa lớn khiến mực nước các sông: Bùi, Tích lên nhanh. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội lệnh báo động lũ cấp II trên sông Tích, đoạn qua các xã ven đê thuộc địa bàn các huyện, thị xã: Sơn Tây, Thạch Thất, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chương Mỹ vào hồi 8h sáng nay.
Về công tác chỉ đạo, điều hành, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã có công điện chỉ đạo ứng phó bão số 3, mưa lớn, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp; 30/30 quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành thành phố đều đã có công điện, văn bản chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3.
Vận hành 74 trạm bơm tiêu úng
Về thiệt hại, tính đến 7h sáng nay, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố mới nhận được báo cáo nhanh của 26/30 quận, huyện; 4 đơn vị chưa báo cáo, gồm: Phú Xuyên, Sơn Tây, Đống Đa, Bắc Từ Liêm.
Tổng hợp thiệt hại của các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố cho thấy, mưa lớn đã làm úng ngập, ách tắc giao thông một số tuyến đường thuộc địa bàn các xã: Bắc Sơn, Trung Giã, Phù Linh (huyện Sóc Sơn); đầy nước 60ha lúa, 45ha rau màu, 50ha cây ăn quả và hoa, cây cảnh ở huyện Gia Lâm; nguy cơ ngập sâu 30ha lúa ở huyện Hoài Đức. Đặc biệt, gió mạnh đã làm gãy đổ 58 cây xanh; trong đó, mưa dông xảy ra ngày 25-8 trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và huyện Hoài Đức đã làm 1 cây xanh gãy đổ, gây hư hỏng 3 xe ô tô...
Sau khi xảy ra thiên tai, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội đã phối hợp các đơn vị liên quan kịp thời giải tỏa cây xanh, bảo đảm an toàn giao thông. Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội chủ động vận hành hệ thống thoát nước đô thị nên không xuất hiện điểm úng ngập đô thị, bảo đảm giao thông thông suốt... Bốn công ty thủy lợi thành phố vận hành 74 trạm bơm với 363 máy bơm các loại để tiêu úng cho diện tích sản xuất nông nghiệp...
Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời với mọi diễn biến bất thường của thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của trung ương và thành phố, triển khai thực hiện các phương án, biện pháp ứng phó với tình hình thời tiết, thiên tai và sự cố có thể xảy ra. Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố theo quy định.
Đặc biệt, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các quận: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, huyện Phú Xuyên và thị xã Sơn Tây khẩn trương báo cáo công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.