Theo đánh giá của báo The Business Times ngày 27-1, Việt Nam là nền kinh tế số đang tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Kết quả này phần lớn là do dòng vốn đầu tư vẫn đang gia tăng với tốc độ chưa từng thấy.
Trong 4 năm qua, khoảng 1 tỷ USD vốn tài trợ đã được rót vào khu vực thương mại điện tử của Việt Nam, đạt mức cao kỷ lục vào năm 2019.
Phóng viên TTXVN tại Singapore cho biết trong hai năm qua, khu vực đã chứng kiến sự nổi lên của các bên tham gia thương mại điện tử của Việt Nam, như Tiki, Thế giới di động và Sendo, nằm trong số những nền tảng thương mại điện tử thành công nhất trong khu vực.
Theo báo cáo “Thị trường thương mại điện tử đang bùng nổ của Việt Nam" do Viện nghiên cứu Đông Nam Á - ISEAS Yusof Ishak - công bố trong tháng 1-2020, thương mại điện tử của Việt Nam được dự đoán đạt tới 15 tỷ USD doanh thu vào năm 2020.
Năm 2018, tỷ lệ tăng trưởng của thương mại điện tử ở Việt Nam là 30%, đạt mức cao mới với khoảng 8 tỷ USD.
Số người tham gia thương mại điện tử tăng cao kỷ lục, khoảng 56,7% năm 2019 và được cho là đạt 64,4% trong 4 năm tới.
Nếu duy trì được tỷ lệ tăng trưởng hiện nay, quy mô thị trường này có thể đạt 33 tỷ USD vào năm 2025, xếp thứ 3 ở Đông Nam Á, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).
Những yếu tố hỗ trợ khác cũng đang phát huy tác dụng. Kinh doanh logistics và phân phối đã chứng kiến tỷ lệ tăng trưởng mang tính hiện tượng là 70% trong sự cạnh tranh mạnh mẽ năm 2018. Các doanh nghiệp này cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ tiên tiến, chẳng hạn như tự động hóa và dữ liệu lớn.
Về mặt pháp lý, so với các nước khác thuộc ASEAN, Việt Nam có môi trường pháp lý tương đối thuận lợi với 5 trong số 6 luật chính được ban hành đầy đủ để điều tiết các hoạt động của thương mại điện tử.
Tuy nhiên, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam cũng phải đối mặt với một số trở ngại.
Chẳng hạn, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam vẫn yếu hơn so với các nhà cung cấp trực tuyến toàn cầu nên người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, vẫn thích mua hàng từ các trang như Amazon hay eBay hơn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu thị hiếu khách hàng. Chất lượng và thiết kế của các sản phẩm trong nước vẫn thua kém các sản phẩm tương tự của các công ty nước ngoài.
Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm các quy định về bản quyền, sở hữu trí tuệ của các nhà kinh doanh trong nước và quốc tế cũng là rào cản đối với sự phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.
Những vụ lừa đảo trên mạng như đánh cắp thông tin, dữ liệu và tài khoản ngân hàng cũng khiến người tiêu dùng thận trọng với việc mua sắm trực tuyến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.