(HNM) - Để tạo điều kiện cho thế hệ tương lai được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, năm học 2022-2023, thành phố Hà Nội triển khai nhiều giải pháp nhằm mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế đến 100% học sinh, sinh viên. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật nhấn mạnh, chính sách bảo hiểm y tế ngày càng khẳng định rõ vai trò quan trọng, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có học sinh, sinh viên.
- Xin ông cho biết rõ hơn quyền lợi của học sinh, sinh viên khi tham gia bảo hiểm y tế?
- Nhờ được hỗ trợ 30% mức đóng, học sinh, sinh viên trên cả nước chỉ phải đóng bảo hiểm y tế với số tiền là 563.220 đồng/người/năm, nhưng được hưởng nhiều quyền lợi. Họ được chăm sóc sức khỏe từ cơ sở thông qua hệ thống y tế trường học, trạm y tế các xã, phường, thị trấn, cho đến các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến tỉnh, trung ương.
Trong quá trình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, học sinh, sinh viên được tiếp cận, sử dụng nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn. Từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội có nhiều trường hợp được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả chi phí điều trị hàng trăm triệu đồng.
Mang ý nghĩa nhân văn và có tính chia sẻ sâu sắc, nên bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên ngày càng hấp dẫn, mở rộng diện bao phủ. Năm học 2021-2022, Hà Nội có hơn 2 triệu học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 98,35%, tăng hơn 100.000 trường hợp so với năm học trước đó và cao hơn mức trung bình của cả nước (hơn 96%).
- Pháp luật hiện hành quy định rõ, học sinh, sinh viên thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế. Theo ông, nguyên nhân nào khiến chính sách này chưa bao phủ tới 100% học sinh, sinh viên Thủ đô?
- Sau nhiều năm thực hiện chính sách, chúng tôi nhận thấy một số quy định về bảo hiểm y tế còn bộc lộ những hạn chế, khiến các cơ quan chức năng thiếu căn cứ để triển khai. Chẳng hạn, Luật Bảo hiểm y tế quy định, học sinh, sinh viên là đối tượng bắt buộc tham gia chính sách này, nhưng lại chưa có chế tài xử phạt những trường hợp không tham gia. Đây cũng là nguyên nhân khiến một số đơn vị, nhà trường, địa phương chưa ráo riết triển khai, chưa có điều kiện ràng buộc học sinh, sinh viên tham gia chính sách.
Về phía người tham gia là sinh viên, có những người còn chủ quan vì thấy bản thân ở độ tuổi trẻ, sức khỏe tốt, ít bị ốm đau, bệnh tật, nên chưa trang bị thẻ bảo hiểm y tế làm “phao cứu sinh” phòng trường hợp không may gặp rủi ro. Mặt khác, do tuổi còn nhỏ, việc tham gia bảo hiểm y tế phụ thuộc vào sự quyết định của phụ huynh. Tuy nhiên, một số người dân chưa hiểu rõ tính ưu việt của chính sách hoặc do điều kiện khó khăn, nên chưa trang bị tấm thẻ an sinh cho con, cháu…
- Thưa ông, để thực hiện mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế trong năm học 2022-2023, các bên liên quan cần triển khai những giải pháp gì?
- Việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đối với nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Năm học mới 2022-2023, UBND thành phố giao các sở, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục trực thuộc thành phố bảo đảm đạt 100% học sinh, sinh viên tham gia. Việc thực hiện chỉ tiêu bảo hiểm y tế là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng, bình xét thi đua, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân liên quan.
Cùng với đó, trước khi bước vào năm học mới, UBND các quận, huyện, thị xã giao chỉ tiêu tham gia bảo hiểm y tế cho 100 cơ sở giáo dục, đôn đốc các cơ sở có tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế chưa cao. Hiện, các nhà trường đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế đến học sinh, phụ huynh bằng nhiều cách thức khác nhau.
Là đơn vị thực hiện chính sách này, cùng với công tác tuyên truyền, các cơ quan Bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố cử cán bộ phối hợp với các nhà trường đôn đốc, nắm bắt tình hình, hỗ trợ các trường trong việc triển khai chính sách. Ngoài ra, cơ quan Bảo hiểm xã hội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu, cấp thẻ bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên. Theo đó, học sinh, sinh viên có thể sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” hoặc căn cước công dân gắn chíp khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội thành phố cũng lưu ý, các địa phương, nhà trường thu tiền bảo hiểm y tế phải linh hoạt. Phương thức đóng có thể chia đóng theo 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, chỉ thu tiền bảo hiểm y tế một lần nếu học sinh, sinh viên có nguyện vọng và tự nguyện đóng.
Vì sức khỏe, tương lai của thế hệ trẻ, tôi mong muốn các địa phương, nhà trường nỗ lực đưa bảo hiểm y tế bao phủ đến 100% nhóm đối tượng học sinh, sinh viên ở Thủ đô.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.