(HNMO) - Vào lúc 14h30p, ngày 26-12-2017 (thứ ba), tại số 44 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Báo Hànộimới sẽ tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Bảo hộ sở hữu trí tuệ phát triển sản vật địa phương”.
Các khách mời tham gia giao lưu gồm: Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục SHTT; ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở KH-CN Bắc Giang; ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỳ Chũ Bắc Giang; GS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Trường Đại học Thương mại.
Mục đích của buổi giao lưu nhằm khẳng định sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò quan trọng trong việc đưa sản vật Việt thành hàng hóa có giá trị cao, góp sức phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và đất nước. Xây dựng bảo hộ SHTT đối với đặc sản địa phương được coi là “chìa khóa” để nông sản Việt chinh phục thị trường.
Theo Cục SHTT, mặc dù Việt Nam có hàng ngàn đặc sản với chất lượng đặc thù, nhưng cho đến nay mới chỉ có 59 sản vật Việt được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý, số lượng các sản vật được bảo hộ ở dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận ở mức dưới 1.000 sản vật. Trong khi đó, hiện thế giới đã có khoảng 50.000 chỉ dẫn địa lý và đang mang lại cho các quốc gia sở hữu chúng hàng tỷ USD, bên cạnh những tác động tích cực đối với văn hóa, du lịch...
Thấy rõ được sự quan trọng trong phát triển tài sản SHTT gắn với phát triển KT-XH, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và văn bản pháp luật về SHTT. Có thể nói, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật đầy đủ về SHTT, phù hợp với các chuẩn mực chung của thế giới. Hoạt động của toàn hệ thống SHTT đã đạt kết quả khả quan, thể hiện qua việc số đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp liên tục tăng, các hoạt động thực thi quyền ngày càng sôi động; nhiều tổ chức, cá nhân đã sử dụng thành công tài sản trí tuệ để phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 (Chương trình 68 giai đoạn 3) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14-6-2016. Một trong những mục tiêu của Chương trình là hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển quyền SHTT cho ít nhất 70 sản phẩm đặc thù của địa phương, sản phẩm làng nghề mang địa danh đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; tổ chức triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT của Việt Nam ở trong và ngoài nước…
Cục SHTT đã trình lãnh đạo Bộ KH-CN phê duyệt Danh mục đặt hàng đối với 58 dự án; ký Hợp đồng giao thực hiện 8 dự án. Chương trình được triển khai với định hướng mục tiêu đổi mới, tập trung vào các nhiệm vụ hỗ trợ bảo hộ, áp dụng sáng chế; quản lý và khai thác tài sản trí tuệ của doanh nghiệp; hỗ trợ kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT.
Để buổi giao lưu thể hiện góc nhìn đa nhiều từ các nhà quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội cũng như các tổ chức cá nhân, từ đó có những giải pháp, kiến nghị với các cơ quan hữu quan liên quan, Báo Hànộimới rất mong nhận được các câu hỏi từ quý vị độc giả.
Câu hỏi xin gửi về địa chỉ: hnmdientu@gmail.com.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.