(HNM) - Chỉ sau ba năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế lại chủ trì soạn thảo dự luật bổ sung, sửa đổi một số điều của luật nói trên.
Nhiều điểm bất hợp lý
Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, đến thời điểm hiện tại, có 68% dân số Việt Nam có BHYT. Đề án BHYT toàn dân đang chờ được phê duyệt, đặt mục tiêu 70% dân số có BHYT vào năm 2013, năm 2015 là 75% và đến 2020 là 85%. Quá trình thực hiện luật, với điều khoản cho phép tăng mức đóng từ 3% lên 4,5% (tối đa có thể lên 6%) lương cơ bản khiến nguồn thu BHYT tăng mạnh. Tính tới hết năm 2012, Quỹ BHYT đã có số dư khoảng 7.700 tỷ đồng, chưa kể khoảng 3.000 tỷ trả nợ cho quá trình bội chi trước đó. Riêng trong hai năm 2010 và 2011, Quỹ BHYT dư khoảng 10.000 tỷ đồng, trong khi giai đoạn 4 năm trước đó thì liên tục trong tình trạng thu không đủ chi, có nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm.
Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Như Ý |
Tuy nhiên, điểm bất hợp lý khi thực hiện luật là quy định cùng chi trả phí khám chữa bệnh được áp dụng cả với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người đang sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội… Nói về quy định này, tại hội thảo, đại diện Ủy ban Dân tộc nói: "Người dân tộc thiểu số đến được bệnh viện để khám bệnh đã là cố gắng, họ không có đủ tiền để chi trả cho xe cộ, ăn uống trong thời gian chữa bệnh, lấy đâu ra tiền để chi trả 5% phí khám chữa bệnh?". Những người đang sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội, (phần lớn là người già, trẻ em) đã không có người nuôi dưỡng, không có sinh kế mới phải vào những chỗ này thì cũng lấy đâu ra tiền để cùng chi trả.
Thực tế có những điểm khiến người ta băn khoăn về tính khả thi của luật, đó là quy định bắt buộc mua BHYT trong khi mức độ tuân thủ ở một số nhóm đối tượng là rất thấp, như người lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (còn trên 50% chưa có BHYT), học sinh - sinh viên (20% chưa có BHYT), người cận nghèo (trên 80% chưa có BHYT, dù từ năm 2012, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ 70% phí mua BHYT cho nhóm đối tượng này). Cho đến nay, trẻ dưới 6 tuổi, người già trên 80 tuổi, người nghèo, người dân tộc thiểu số… đã được cấp thẻ BHYT miễn phí, còn người cận nghèo được hỗ trợ đến 70% phí. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng các bộ, ngành chức năng đang tìm mọi cách để mở rộng diện bao phủ BHYT một cách cơ học, kiểu xin - cho, bằng cách tăng dần số nhóm đối tượng được cấp thẻ BHYT từ nguồn ngân sách, chứ chưa tìm cách mời gọi và tăng tính hấp dẫn của BHYT, tức là mở rộng diện bao phủ BHYT một cách bền vững.
Làm sao để tăng sức hấp dẫn của bảo hiểm?
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, không thể để tình trạng người giữ quỹ (cơ quan bảo hiểm) lại có quyền to hơn người đóng bảo hiểm. "Tại sao lại đóng khung việc khám chữa bệnh vào một cơ sở y tế, một địa phương? Tôi đề nghị người tham gia BHYT phải được khám chữa bệnh thuận lợi ở bất kỳ nơi nào mà họ đến làm việc, công tác và cần khám chữa bệnh. Với tiền thừa từ quỹ, lên đến hàng nghìn tỷ đồng thì phải tăng cường đầu tư phát triển y tế, người ta đóng tiền để làm việc ấy chứ không phải đóng để đấy"- ông Hoàng Thế Liên góp ý cho việc sửa luật.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho hay, hiện đang có hai luồng ý kiến cho việc sửa Luật BHYT. Đó là hướng bổ sung một số điều và hướng sửa toàn bộ. "Chúng ta luôn có tư duy là cải tạo, nâng cấp, chắp vá, dù là chắp vá chằng chịt. Nên đặt vấn đề là nếu luật như vậy thì có thực hiện được bảo hiểm y tế toàn dân không? Hiện nay, quy định cùng chi trả của chúng ta là 5-20% phí khám chữa bệnh, nhưng áp dụng cứng với tất cả các loại bệnh, trong khi đó, nhiều nước trên thế giới áp dụng linh hoạt theo loại bệnh, bệnh nặng thì cùng chi trả nhẹ hơn, như vậy người nghèo bệnh nặng vẫn có cơ hội chữa bệnh. Ở các nước cũng quy định mức đóng BHYT khác nhau và mức hưởng cũng khác nhau"- ông Nguyễn Huy Quang cho biết.
Theo thông tin từ tổ biên tập Luật BHYT sửa đổi, quy định người nghèo, người dân tộc thiểu số, người đang sống trong cơ sở bảo trợ xã hội phải cùng chi trả phí khám chữa bệnh nhiều khả năng sẽ được bãi bỏ. Cũng có một quan điểm đang được nhiều người ủng hộ, là giảm mức thanh toán cho người có thẻ khám chữa bệnh trái tuyến xuống mức 20-50% tùy tuyến bệnh viện (hiện hành là 30-70%), thậm chí có ý kiến nêu phương án không thanh toán cho người khám chữa bệnh trái tuyến để tránh quá tải bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, nếu phương án này được thực hiện thì yêu cầu tăng sức hấp dẫn của BHYT lại không đạt, do người có thẻ (sau khi đóng tiền BHYT), lại bị yêu cầu đủ thứ về tuyến bệnh viện và thủ tục hành chính khi có nhu cầu chuyển viện có chất lượng hơn. Trong khi việc mở rộng cơ sở y tế tuyến trên và nâng cấp cơ sở y tế tuyến dưới để chống quá tải bệnh viện tuyến trên là việc của ngành y tế và UBND các cấp, chứ đâu phải là lỗi của người bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.