(HNM) - Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện ra đời với mục tiêu ngày càng có nhiều người được bảo đảm an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động, nhất là để người lao động khu vực phi chính thức được tham gia bảo hiểm xã hội. Đến nay, cả nước đã phát triển được hơn 463 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu Nghị quyết 28-NQ/TƯ về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội ngày 23-5-2018 đề ra, bên cạnh những điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, rất cần tăng tính hấp dẫn của chính sách này.
Đến từng nhà, gặp từng người
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là loại hình bảo hiểm do người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của người tham gia để hưởng các chế độ theo quy định. Người dân tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu theo quy định; được trợ cấp một lần và chế độ tử tuất; được cơ quan BHXH cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khi nghỉ hưu và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc. Đặc biệt, loại hình bảo hiểm này có nhiều ưu việt trong việc giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động.
Chính những lợi ích thiết thực do BHXH tự nguyện mang lại đã góp phần tăng tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện trong những năm qua. Hết tháng 9-2019, cả nước đã vận động được hơn 463 nghìn người tham gia, tăng trên 26 nghìn người so với tháng 8-2019, tăng 192 nghìn người so với tháng 12-2018. Riêng trong tháng 9, toàn ngành đã vận động được hơn 20 nghìn người.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết: Ngành BHXH đã thực hiện nhiều giải pháp cũng như công tác phối hợp trong mở rộng số người tham gia BHXH tự nguyện, dù chưa có địa phương nào trích kinh phí hỗ trợ nhóm đối tượng này. Thay vì chỉ vận động, bây giờ BHXH các cấp đã cùng các đại lý bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ. Đó chính là tinh thần “đến từng nhà, gặp từng người” trong tuyên truyền mở rộng BHXH tự nguyện.
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, 3 tháng cuối năm nay ngành còn phải phát triển 27.600 người tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện cao hơn tỷ lệ chung là Sơn La, Hưng Yên, Cà Mau, Hà Nam, Điện Biên. Đặc biệt, có 5 địa phương phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện cao trong 9 tháng đầu năm 2019 là Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương và Sơn La.
Cần tăng tính hấp dẫn
Nhằm hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển đối tượng tham gia, đặc biệt là với hình thức BHXH tự nguyện. Trong đó có việc nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng hình ảnh đại lý thu BHXH, BHYT chuyên nghiệp, có hiệu quả.
Theo ông Dương Văn Hào - Trưởng ban Thu, BHXH Việt Nam, trong thời gian qua, từ việc giám sát đôn đốc tình hình hoạt động của các đại lý thu BHXH, BHYT, phát hiện vẫn còn một số đại lý thu hoạt động hiệu quả thấp, chưa chuyên nghiệp, như chậm trễ trong việc nộp hồ sơ và tiền thu của người tham gia; việc ứng dụng công nghệ thông tin của các đại lý thu (xã, phường) chưa đáp ứng được yêu cầu. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, phấn đấu giảm thời gian nộp hồ sơ và tiền đóng BHXH tự nguyện, kịp thời
cấp sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 3046/BHXH-BT ngày 20-8-2019 về việc thực hiện thu BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng qua nhà trường và đại lý thu. Theo đó, trước 16h hằng ngày, tất cả các đại lý thu nộp thủ tục của người tham gia bằng hình thức giao dịch điện tử và tiền đóng trong ngày cho cơ quan bưu điện trên địa bàn.
Cơ quan bưu điện có trách nhiệm cập nhật nội dung của người tham gia BHXH, BHYT vào phần mềm quản lý thu, nộp toàn bộ hồ sơ cho cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH cấp sổ BHXH, thẻ BHYT chuyển cơ quan bưu điện. Trong 3 ngày kể từ ngày nhận sổ, thẻ từ cơ quan BHXH, cơ quan bưu điện có trách nhiệm trả tận tay cho người tham gia BHXH, BHYT.
Quy trình nói trên sẽ giảm đáng kể thời gian cho các đại lý thu trong việc nộp hồ sơ và tiền đóng của người tham gia BHXH tự nguyện; bảo đảm việc cấp sổ, thẻ được kịp thời, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia và thụ hưởng chính sách.
Bên cạnh việc tạo điều kiện về mặt thủ tục hành chính, đại diện cho cơ quan giám sát, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cần tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện, nhất là với người nghèo và cận nghèo: “Trong lúc chúng ta ở giai đoạn đầu thực hiện chính sách BHXH tự nguyện thì rất cần phải nâng mức hỗ trợ “kích cầu” lên. Tôi cho rằng cần hỗ trợ ở mức 50-50, song với hộ cận nghèo và hộ nghèo thì cần hỗ trợ tăng thêm nữa để thời gian đầu phát triển diện rộng, sau đó từ từ điều chỉnh tỷ lệ này thì mới đạt mục tiêu”.
Ông Bùi Sĩ Lợi cũng đồng tình với việc điều chỉnh chính sách hưởng BHXH tự nguyện, như nhập BHYT với BHXH tự nguyện để người dân chỉ cần mua BHXH tự nguyện đương nhiên sẽ có BHYT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.