(HNMO) - Tại danh mục thuốc bảo hiểm y tế vừa được Bộ Y tế ban hành, danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) gồm: 845 hoạt chất, 1.064 thuốc tân dược, 57 thuốc phóng xạ và hợp chất đánh dấu.
Thông tin trên được Bộ Y tế cho biết sáng nay khi công bố thông tin y tế đến báo chí. Trong đó, loại 111 thuốc bị ngừng cấp số đăng ký lưu hành hoặc số đăng ký lưu hành hết hiệu lực để bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả; bổ sung mới 37 thuốc thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, phù hợp với sự phát triển khoa học của công ngghiệp dược; bổ sung dạng dùng 22 thuốc và mở rộng tuyến sử dụng 77 thuốc để tạo điều kiện cho người bệnh có thẻ BHYT được tiếp cận thuốc điều trị tuyến y tế cơ sở như bệnh viện huyện, trạm y tế xã, phường; giảm bớt thời gian và chi phí đi lại cho người bệnh, đồng thời góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Quỹ bảo hiểm giảm chi trả từ 100% xuống còn 50% đối với 4 thuốc điều trị ung thư. (ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Đáng chú ý, Thông tư 40/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014, có hiệu lực từ 1/1/2015, đưa 11 thuốc điều trị ung thư, chống thải ghép ngoài danh mục thuốc tại Thông tư liên tịch số 09/2009 để quản lý kiểm soát tốt hơn để các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm cung ứng theo quy định, đồng thời tạo điều kiện để người bệnh được sớm tiếp cận điều trị các thuốc này vì đã bỏ quy định người tham gia BHYT phải có thời gian tham gia BHYT liên tục từ 36 tháng trở lên.
Tuy nhiên, 11 thuốc điều trị ung thư, chống thải ghép ngoài danh mục, hiện nay Quỹ bảo hiểm chi trả 50% đưa vào danh mục để quản lý và vẫn giữ nguyên tỷ lệ thanh toán 50%; 5 thuốc bổ sung mới chưa được thanh toán thì nay được quỹ bảo hiểm chi trả với tỷ lệ 50%. Đặc biệt, 9 thuốc đang được thanh toán 100% nay giảm xuống còn 50%. Số này gồm 4 thuốc điều trị ung thư (Doxorubicin, Erlotinib, Gefitinib, Sorafenib) và 5 thuốc điều trị bệnh khớp, viêm gan C, giải độc, điều trị thiếu hụt hoócmon tăng trưởng (một thuốc giảm tỷ lệ xuống 30%).
Với bệnh nhân bị ung thư đang sử dụng 4 thuốc Doxorubicin, Erlotinib, Gefitinib, Sorafenib tại cơ sở khám, chữa bệnh trước thời điểm thông tư có hiệu lực thì tiếp tục được Quỹ BHYT thanh toán 100 % chi phí theo quy định cũ.
Tại buổi công bố thông tin, trước ý kiến thông tư trên làm khó bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, đại diện Vụ Bảo hiểm Y tế Bộ Y tế cho rằng, Thông tư số 40 được xây dựng bảo đảm theo quy trình, khách quan, dựa trên cơ sở các tiêu chí chất lượng, bảo đảm đủ thuốc, đáo ứng nhu cầu điều trị, có cân nhắc đến yếu tố chi phí, hiệu quả và khả năng chi trả của quỹ BHYT; có sự thống nhất giữa Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại diện cơ sở khám chữa bệnh với sự tư vấn của các chuyên gia liên quan đến chuyên ngành.
Chia sẻ tại buổi công bố, Giáo sư Mai Trọng Khoa-Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai-Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu của bệnh viện cho biết, khi ban hành danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, ông và các bác sĩ trong hội đồng đã nghiên cứu và cân nhắc làm sao tốt nhất cho bệnh nhân ung thư.
“Các loại thuốc trong danh mục như thuốc Doxorubicin dùng trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ, thuốc này đắt vì có bọc nano nhưng hoàn toàn có thể thay thế bằng các thuốc khác. Còn 3 loại Erlotinib, Gefitinib, Sorafenib là thuốc nhắm đích. Những thuốc này được bác sĩ chỉ định cho những bệnh nhân bị ung thư giai đoạn muộn khi hóa chất không thể đáp ứng được nữa. Số bệnh nhân được chỉ định thuốc này rất hạn chế bởi thuốc đắt và vẫn đang trong quá trình nghiên cứu của các công ty dược”-Bác sĩ Khoa nói.
Theo ông, các bệnh nhân được chỉ định thuốc này là các bệnh nhân bị ung thư giai đoạn muộn, Với những bệnh nhân ở giai đoạn này,những nước tiên tiến vẫn chưa thể chữa khỏi. Vì thế, việc chỉ định thuốc này giúp cho bệnh nhân có chất lượng sống tốt hơn chứ không thể kéo dài thời gian sống.
Ông Khoa cho biết: “Thuốc đắt, mục đích khỏi bệnh không có, chỉ định nhiều sẽ gây ảnh hưởng tới quỹ BHYT và ảnh hưởng đến ngay chính gia đình bệnh nhân. Vì thế, khi hội đồng chuyên môn họp bàn đã đưa ra phương pháp cả người bệnh và BHYT cùng chi trả”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.