(HNM) - Cứ vào mùa nắng nóng, người dân nhiều nơi trên địa bàn Thủ đô lại sống trong nỗi lo
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, để tiêu thụ 80.000m3/ngày đêm còn dư của Nhà máy Nước sông Đà, bổ sung nước cho nội thành, Sở Xây dựng và Tổng Công ty cổ phần Vinaconex triển khai tuyến ống giai đoạn 2, đường kính 1,6-1,8m, dự kiến kinh phí 1.184 tỷ đồng. Vật liệu làm tuyến ống này bằng thép cuốn, lòng ống tráng xi măng, có độ bền cao hơn tuyến ống hiện tại. Với quy hoạch và kế hoạch đã phê duyệt, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng Nhà máy Nước sông Hồng với công suất 300.000m3/ngày đêm, dự kiến từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hungary và Nhà máy Nước sông Đuống giai đoạn 1, công suất 150.000m3/ngày đêm, dự kiến bằng vốn vay của Tập đoàn Biwater (Anh). Ngoài ra, Nhà máy Nước sông Đà sẽ nâng thêm công suất 300.000m3/ngày đêm bằng vốn xã hội hóa. Nếu hoàn thành đúng tiến độ, mạng cấp nước của thành phố sẽ được bổ sung nguồn cung đáng kể.
Người dân Cụm dân cư số 4, khu tập thể 608, đường Sen Ngoại 2, quận Hoàng Mai chờ đợi nước. Ảnh: Như Ý |
Hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng
Phường Định Công (Hoàng Mai) được coi là "điểm nóng" thiếu nước sinh hoạt. Từ đầu tháng 5, khi đợt nắng nóng đầu tiên diễn ra, cũng là lúc hơn 3.000 hộ dân thiếu nước, mất nước. Đầu tiên, người ta dùng dè xẻn nước trữ trong bể ngầm, với hy vọng tình hình sẽ được cải thiện sau ít hôm. Nhưng sau 1 tuần, bể ngầm cũng cạn. Nhiều hộ quay trở lại dùng nước giếng khoan có từ trước. Đến cuối tháng 5, nhất là sau khi lãnh đạo Bộ Xây dựng rồi UBND thành phố họp tìm giải pháp cấp nước sạch trong những ngày nắng nóng, nước chảy có khá hơn nhưng vẫn thiếu trầm trọng. Nhà đầu nguồn trang bị máy bơm khỏe còn hút được. Nhà cuối nguồn vẫn phải đi mua nước giếng khoan về sử dụng với giá 300.000 đồng/m3, hoặc thức trắng đêm canh nước chảy để hứng.
Cạnh đó, cư dân phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai) cũng trong cảnh tương tự. Giữa trưa hè, hàng trăm hộ dân ào ra đường với xô, chậu, thùng, can… hứng nước từ xe stec. Nhưng mỗi xe cũng chỉ khoảng 3-5m3 nên chỉ sau 30 phút là hết nước vì vậy ai cũng phải nhanh tay hứng và tận dụng mọi thứ có thể chứa được nước. Theo phản ánh của người dân, mặc dù được đơn vị cấp nước bố trí xe stec nhưng mỗi ngày chỉ có 1 chuyến, trong khi có hàng trăm hộ thiếu nước, nên nước được dùng hết sức tằn tiện cho những công việc cần thiết.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục liệt kê khoảng17 khu vực trên địa bàn thành phố bị thiếu nước, mất nước, trong đó nghiêm trọng nhất là địa bàn quận Hoàng Mai và Thanh Xuân, với các "điểm đen" là ngõ 1, 77, 358 phố Bùi Xương Trạch; ngõ 211, 345 phố Khương Trung; ngõ 362, 364 đường Giải Phóng; ngõ 217, 219 phố Định Công Thượng… Ước tính hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Mặc dù khẳng định các đơn vị cấp nước của thành phố đang nỗ lực khắc phục như phân vùng, cấp nước theo giờ, cấp nước luân phiên và dùng xe stec, song ông Dục thừa nhận, việc sử dụng xe stec cấp nước là hình ảnh đối lập với một đô thị văn minh.
Nghịch lý dân thiếu, nhà máy thừa
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước, theo lãnh đạo Công ty Nước sạch Hà Nội là do nhu cầu tăng đột biến nhưng nguồn cung lại thiếu hụt. Chỉ tính trên hệ thống của Công ty Nước sạch Hà Nội, bình quân mỗi năm nhu cầu sử dụng nước tăng 3-4%, trong khi nguồn nước ngầm suy thoái 4-6%, cộng thêm các sự cố về điện lưới, nên vào những đợt nắng nóng kéo dài, lượng nước thiếu hụt từ 40.000 đến 60.000m3/ngày đêm. Tổng công suất cấp nước trên toàn thành phố bình quân mỗi ngày chỉ đạt 880.000-900.000m3, trong khi với quy mô dân số hiện tại phải cần tới 1,2 triệu mét khối/ngày mới đủ đáp ứng nhu cầu.
Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ trong khi người dân nội thành thiếu nước sử dụng thì Nhà máy Nước sông Đà đang dư thừa công suất lại không thể đưa được về Hà Nội do hệ thống đường ống truyền dẫn không ổn định, thường xuyên gặp sự cố. Đã vậy, trong những ngày nắng nóng vừa qua, do lo vỡ đường ống nên Nhà máy còn giảm áp lực, khiến lượng nước trên đường ống giảm, không chảy được đến điểm cuối nguồn, dẫn đến hàng loạt điểm "khát" nước sạch kéo dài trên địa bàn quận Hoàng Mai, Thanh Xuân. Một cán bộ Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (chủ đầu tư Nhà máy Nước sông Đà) cho hay, bình thường áp lực điểm cuối (Trung tâm Hội nghị quốc gia) khoảng 3,5kg/cm2, nhưng vào hè áp lực sụt giảm còn 2kg/cm2, vì vậy đến cuối nguồn lượng nước không còn bảo đảm. Mặc dù trước đó, lãnh đạo Tổng Công ty cổ phần Vinaconex khẳng định không có chuyện giảm áp lực đường ống, thậm chí lượng nước cấp cho Hà Nội còn tăng 7-10%, nhưng cuối cùng đại diện Công ty cũng phải thừa nhận, áp lực đường ống đã đến ngưỡng. Đặc biệt, đoạn qua xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, nơi đã 3 lần xảy ra vỡ đường ống, áp lực cao nhất là 5kg/cm2, nếu vượt ngưỡng này có thể lại xảy ra vỡ ống, dẫn đến mất nước trên diện rộng, ảnh hưởng tới khoảng 70.000 hộ khách hàng. Cũng vì lý do này mà dù nhiều lần yêu cầu bổ sung thêm, nguồn nước sông Đà cấp cho mạng của Công ty Nước sạch Hà Nội không vượt quá "ngưỡng" 40.000-50.000m3/ngày đêm.
Tình trạng thiếu nước trong những ngày nắng nóng đã diễn ra trong nhiều năm nay và danh sách các "điểm đen" thiếu nước gần như không thay đổi nhiều, đã được các đơn vị cấp nước dự báo từ trước mùa nóng. Có thể thấy, cơ quan chức năng thường đưa ra những giải pháp đối phó mang tính tình thế hơn là khắc phục một cách căn cơ và rõ ràng là Hà Nội đang thiếu một dự án phát triển đồng bộ mạng lưới cũng như nguồn cấp nước. Về phần mạng, mặc dù có nhiều cố gắng song cũng chỉ có thể cải tạo lần lượt từng khu vực, đồng thời với việc bảo đảm tỷ lệ phát triển khách hàng mới. Đáng nói là tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch vẫn cao do mạng cấp nước cũ nát. Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận, trong điều kiện thời tiết bình thường có thể đáp ứng 100% nhu cầu khu vực nội thành và chỉ thiếu khi trời nắng nóng, nhưng nếu không có ngay những dự án đầu tư phát triển nguồn lớn e rằng sau năm 2015 tình trạng thiếu nước sẽ rất nghiêm trọng. Đặc biệt, tỷ lệ thất thu, thất thoát cao tới 25-28% cũng là nguyên nhân dẫn tới thiếu hụt nguồn nước. Ước tính với công suất trung bình 900.000m3/ngày đêm, mỗi ngày lượng nước thất thu thất thoát tương đương công suất 6 nhà máy nước nhỏ và gần bằng lượng nước do Nhà máy Nước sông Đà cung cấp.
Về giải pháp bảo đảm cấp nước cho nội đô, Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex đã đề xuất làm ngay 10km đường ống thứ hai từ nút Hòa Lạc đến sông Tích, chạy song song và giảm áp lực cho tuyến ống hiện tại. Tuy nhiên, đơn vị này hiện đang khó khăn về vốn và đề nghị thành phố hỗ trợ 6%/năm tiền lãi vay thương mại. Đề xuất này đã được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhất trí và yêu cầu thi công khẩn cấp 10km tuyến ống này trong tháng 6, nếu Vinaconex không làm thành phố sẽ giao cho đơn vị khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.