Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ trở thành ”người tiêu dùng thông thái”?

Thế Phương| 31/01/2013 05:48

(HNM) - Mỗi dịp tết đến xuân về, người ta lại giật mình. Đồ rởm ngày một nhiều hơn, những kẻ sản xuất đồ rởm ngày càng nhẫn tâm hơn… Ai cũng muốn trở thành "người tiêu dùng thông thái" nhưng với thực trạng ra ngõ gặp… đồ rởm, trong khi đó, việc ngăn chặn, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng rởm của cơ quan chức năng chẳng khác việc " bắt cóc bỏ đĩa" thì… mấy ai có đủ tinh anh để trở thành "thông thái"? Có lẽ chưa năm nào chuyện hàng rởm lại nhiều và "nóng" như dịp tết năm nay, mặc dù các chiêu trò không mới.


Giới truyền thông đưa chuyện, ngay tại Xuân Phương, Phú Diễn, Đình Quán (huyện Từ Liêm) là nơi có giống bưởi Diễn chính hiệu, muốn mua loại bưởi tiến vua này rất khó bởi người sành miệng đã đặt hàng từ trên cây, không dưới 100.000 đồng/quả. Còn thứ bưởi thương lái bày bán ngay tại đất này tuy là giống bưởi Diễn nhưng trồng trên đất Đan Phượng, Hoài Đức… Cam Canh cũng vậy, thứ đang lúc lỉu trong vườn đã có chủ. Tại chợ Vân Canh (Từ Liêm) dù được " hét" với giá gần trăm nghìn đồng/kg thì cũng là giống cam Canh nhưng trồng trên đồng đất Hưng Yên. Vậy mà bưởi Diễn, cam Canh vẫn len vào phố phường Hà Nội, người tiêu dùng vẫn mua dù vẫn biết bưởi Diễn, cam Canh lấy đâu ra nhiều thế? Tệ hơn, trên thị trường có một loại cam Trung Quốc, giống hệt cam Canh bán mua buôn khá rẻ khoảng 18.000 đồng/kg, nhưng giá bán lẻ thì… có khi bằng giá cam Canh xịn (khoảng 100.000 đồng/kg).

Thật giả lẫn lộn, thương lái thoải mái làm tiền trên lưng "thượng đế".

Hãi hùng và cũng tệ hại hơn là chuyện làm giả nước ngọt, rượu. Mới đây, các lực lượng chức năng của Hà Nội đã phát hiện Công ty TNHH MTV Ngọc Sơn Trang (ở phường Phú Lãm, quận Hà Đông) sản xuất nước cam, nước tăng lực và Cola bằng công nghệ có thể gọi là "hết chỗ nói": Đổ nước vào chậu, cho phẩm tạo màu, chất tạo mùi, chất bảo quản, đường hóa học rồi hòa với nhau, sau đó chắt vào các chai nhựa, bơm thêm khí CO2 tạo ga và đóng nắp, dán nhãn, đóng hộp. Tổng số nước ngọt thu giữ tại hiện trường là 12.000 chai. Chủ cơ sở xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm ..., chỉ có điều họ không chứng minh được nguồn gốc của nguyên liệu chế biến. Cơ sở sản xuất Thiên Long (xóm Hoa Thám, xã La Phù, Hoài Đức) cũng sản xuất rượu Champagne với công nghệ tương tự. Số lượng hàng rởm bị tịch thu là 5.000 chai rượu và 1.000 chai nước.

Chuyện bưởi Diễn, cam Canh rởm tràn ngập phố phường, giá bán "trời ơi" gây bức xúc cho nhiều người, nhưng thật sự không nguy hiểm cho sức khỏe của người tiêu dùng như rượu rởm, nước ngọt rởm. Đáng nói hơn là số đồ uống rởm mà các cơ quan chức năng thu được trong các cuộc "truy quét" không thấm vào đâu so với số lượng bán ra thị trường và cũng chưa ai tính được bao nhiêu người "tiền mất, tật mang". Bởi lẽ loại hàng này thường được bán ở các vùng xa - nơi không phải ai đau bụng vì ngộ độc thực phẩm cũng đến cơ sở y tế để có con số thống kê chính xác. Trong khi đó, những cảnh báo của cơ quan truyền thông về nạn sản xuất kinh doanh rượu rởm, nước ngọt rởm, cũng như tác hại mà nó gây ra cũng không thể đến hết mọi người.

Một lần nữa, câu hỏi ai bảo vệ người tiêu dùng được đặt ra. Thế nhưng trong bối cảnh cơ quan chức năng "lực bất tòng tâm", người sản xuất kinh doanh thì bất chấp mọi giá trị nhân văn, đạo đức để kiếm lời thì cũng chỉ còn cách dạy nhau làm "người tiêu dùng thông thái" - nghĩa là biết thông tin về hàng rởm để mà tránh. Tuy nhiên, để làm được điều đó không đơn giản, các "thượng đế" chỉ còn cách chấp nhận, còn câu hỏi bao giờ họ mới trở thành "người tiêu dùng thông thái" đành để các cơ quan chức năng trả lời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ trở thành ”người tiêu dùng thông thái”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.