(HNM) - Liên tiếp trong thời gian gần đây, hàng loạt tin vui đến với du lịch Việt Nam. Trước hết là việc hang Sơn Đoòng lên sóng trực tiếp của truyền hình Mỹ. Tiếp đến, Việt Nam tăng 5 bậc về năng lực cạnh tranh trên " bản đồ" du lịch thế giới. Rồi, danh thắng Hạ Long tiếp tục lọt vào danh sách 15 kỳ quan núi đá vôi đẹp nhất hành tinh. Và mới đây, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng được một trang web du lịch có tiếng bình chọn là địa điểm du lịch giá rẻ tốt nhất thế giới…
Những thông tin nêu trên một lần nữa khẳng định tiềm năng du lịch nước nhà. Thế nhưng, đánh thức tiềm năng, để tiềm năng trở thành động lực phát triển vẫn là vấn đề nan giải. Những sự kiện, hiện tượng gần đây cho thấy không ít bất cập ảnh hưởng tiêu cực đến du lịch ở Việt Nam. Tình trạng quá tải ở các điểm du lịch nghỉ mát dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua tiếp tục chứng minh cho câu chuyện "biết rồi, nói mãi…" . Thế nhưng năm nào cũng phải nói. Rất nhiều địa phương đã tuyên bố sẽ không để xảy ra quá tải, không để nạn "chặt chém" hoành hành. Để rồi những " thượng đế" đến Sầm Sơn, Cửa Lò và nhiều bãi biển khác trong dịp nghỉ lễ vừa qua đều phải "thấm" cái gọi là "du lịch hành xác".
Đây có phải là hệ quả của kiểu phát triển du lịch "mỳ ăn liền" của ta đã được đề cập nhiều lần nhưng chưa cải thiện được bao nhiêu. Rất nhiều người mong ước được một lần đặt chân đến Đà Lạt mộng mơ trong thơ ca, nhạc họa. Nhưng, thực tế "điểm đến lý tưởng" này dường như vẫn chưa hút được bao nhiêu khách du lịch quốc tế. Thống kê mới nhất, 4 tháng đầu năm du khách quốc tế chỉ chiếm chưa đến 5% tổng lượng du khách đến Đà Lạt, giảm tới 27% so với năm ngoái. Thành phố nổi tiếng từ hàng trăm năm nay bị dân du lịch chuyên nghiệp đánh giá thuộc diện "không có gì hấp dẫn". Là đô thị du lịch nổi tiếng, nhưng Đà Lạt thiếu vắng các địa điểm văn hóa, giải trí. Trong khi đó, các khu - điểm du lịch trùng lặp, đơn điệu; sản phẩm du lịch khám phá, trải nghiệm gắn với đời sống, sinh hoạt của người dân Tây Nguyên chưa khai thác hiệu quả…
Thực trạng của Đà Lạt phần nào cho thấy mô hình phát triển du lịch "hữu xạ tự nhiên hương", chủ yếu trông chờ vào "lợi thế sẵn có" mà thiếu chiến lược phát triển khoa học, bền vững… Ngay với danh thắng vừa làm "thế giới choáng váng" là hang Sơn Đoòng có nhiều triển vọng với ngành du lịch, nhưng ngay khi vừa được phát hiện lập tức đã có "sáng kiến" khai thác du lịch bằng cách xây dựng cáp treo, thứ mà người ta vẫn coi như "cỗ máy kiếm tiền" ở nhiều điểm du lịch. Ý tưởng này vấp phải sự phản đối khá gay gắt từ dư luận, nhưng chẳng ai dám chắc liệu một ngày đẹp trời nào đó lại có người đem ra thực hiện?
Theo "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" thì du lịch sẽ là "ngành kinh tế mũi nhọn". Nhưng con số báo cáo năm 2014 của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho thấy, trong khi có hơn 2,5 triệu lượt người Việt đi du lịch các nước ASEAN thì chỉ có khoảng 1 triệu lượt khách trong khối này chọn Việt Nam làm điểm đến. Vậy có thể nói, với cơ sở hạ tầng yếu kém, chất lượng dịch vụ còn thấp và thiếu chuyên nghiệp như hiện nay thì phát triển du lịch sẽ còn "lẹt đẹt". Chúng ta không thể nói mãi câu chuyện du lịch Việt Nam "nhiều tiềm năng" nhưng "phát triển không xứng tầm…”
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.