(HNM) - Hiện nay, thực trạng hệ thống sông, hồ bị ô nhiễm, chất lượng nguồn nước bị suy giảm đã ở mức báo động, phần lớn do phải tiếp nhận nước thải chưa qua xử lý... Làm thế nào để nâng cao công tác quản lý, xử lý nước thải nhằm kiểm soát ô nhiễm nguồn nước đang là vấn đề cần sự quan tâm thích đáng.
Vận hành hệ thống xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Bắc Thường Tín. Ảnh: Mạnh Hà |
Thách thức lớn về nước thải
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn về nước thải từ khu công nghiệp, đô thị, làng nghề, sinh hoạt… đa phần xả thẳng ra môi trường gây nguy hại cho con người và sinh vật. Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Bảy cho biết, cả nước có trên 200 khu công nghiệp, hằng ngày xả thải ra môi trường khoảng hơn một triệu mét khối, nhưng 75% chưa qua xử lý đã xả thẳng ra môi trường. Còn tại các làng nghề, theo Vụ Khoa học và Công nghệ môi trường (Bộ NN&PTNT), cả nước có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề nhưng số làng nghề được quy hoạch trong các khu cụm công nghiệp rất ít, chỉ chiếm khoảng 1%, số còn lại đa phần xả thải trực tiếp ra môi trường.
Ông Đoàn Viết Tuấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai cho biết, năm 2016, huyện phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bền vững Kim Long lấy 8 mẫu nước mặt tại 6 làng nghề: Bích Hòa, Thanh Thùy, Hồng Dương, Tân Ước, Cự Khê, Dân Hòa để phân tích. Kết quả cho thấy, các chỉ tiêu để đo mức độ ô nhiễm nguồn nước như BOD, COD… đều vượt quy chuẩn.
Ngoài ra, cùng với sự gia tăng dân số, chất lượng nước còn bị suy giảm do lượng nước thải sinh hoạt tăng mạnh với khoảng 600.000m³/ngày-đêm, xả thẳng ra các ao hồ. Nhiều nhà máy đơn lẻ và các cơ sở sản xuất, bệnh viện cũng thải ra ao hồ khoảng 7.000m³/ngày, trong đó chỉ 30% được xử lý. Đặc biệt, cả nước có hơn 34.000 điểm giết mổ gia súc, gia cầm, phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan thú y, hầu hết đều nhỏ lẻ nên chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Ngay cả với những cơ sở lớn, việc quản lý chất thải cũng vẫn còn nhiều điều phải bàn. Là chủ một lò mổ lớn đầu tư khá bài bản, bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Xuất khẩu nông sản Thanh Oai cho biết, năm 2015 thành phố hỗ trợ công ty gần 30 tỷ đồng xây dựng khu xử lý nước thải, nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để tình trạng ô nhiễm.
Nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước
Năm 2017, Ngày Nước thế giới (22-3) đã lấy chủ đề trọng tâm là “Nước thải”, trong đó nhấn mạnh việc tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức của cả xã hội về giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước và tái sử dụng nước hợp lý. Để khắc phục những hạn chế, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm và khai thác nguồn tài nguyên nước hợp lý, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Bảy cho biết, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về tăng cường các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang xem xét, ban hành thông tư quy định cụ thể về việc thực hiện cơ chế giám sát hoạt động khai thác nước và xả thải nước, khuyến khích việc xã hội hóa quan trắc lưu động. Các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động, phân tích chất lượng nước thải và kết nối tự động trực tuyến hoặc nhập số liệu quan trắc định kỳ vào hệ thống giám sát chung do Nhà nước đầu tư tạo thành một hệ thống kết nối hoàn chỉnh giữa trung ương và địa phương. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý phân tích, xử lý số liệu để phát hiện kịp thời các trường hợp xả nước thải gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, ông Đoàn Viết Tuấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai cho rằng, vấn đề quan trọng là nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Các địa phương cần triển khai, nhân rộng các mô hình tự quản trong nhân dân nhằm giữ sạch nguồn nước như: Không vứt rác bừa bãi, không xả thải trực tiếp vào nguồn nước sạch; sử dụng thuốc trừ sâu đúng quy định, hạn chế việc sử dụng các loại hóa chất gây ô nhiễm môi trường nước; tiết kiệm nước sạch, sử dụng hợp lý nguồn nước để không lãng phí nước sạch.
Phát triển kinh tế cần đi đôi với bảo vệ môi trường. Vì vậy, đối với các khu công nghiệp, khi triển khai xây dựng, Nhà nước cần có quy định bắt buộc doanh nghiệp phải đầu tư hạ tầng xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh mới được phép hoạt động. Đồng thời, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước; giám sát việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này cũng như việc xả nước thải để theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình nguồn nước. Đối với các làng nghề và các điểm giết mổ trong khu dân cư, chính quyền các địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động người dân giữ vệ sinh môi trường để giảm thiểu ô nhiễm...
Con người sống không thể thiếu nước, vì vậy việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, ngăn ngừa tình trạng cạn kiệt và suy thoái nguồn nước đang là vấn đề cấp bách không chỉ ở nước ta mà còn mang tính toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.