(HNMO) - Sáng 26-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Tránh chồng lấn vị trí, chức năng, nhiệm vụ với lực lượng khác
Thảo luận về dự án luật, đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với sự cần thiết ban hành luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Đại biểu Trần Đình Chung (Đoàn Đà Nẵng) nhận định, những năm gần đây, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các băng nhóm tội phạm sử dụng vũ khí nóng… diễn biến khó lường và gia tăng hơn. “Trong tình hình đó, lực lượng cảnh sát cơ động đã phát huy vai trò rất lớn trong giải quyết ổn định tình hình ở những giai đoạn cam go nhất cần phải được sử dụng những biện pháp mạnh, quyết liệt. Vì vậy, việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động thay cho Pháp lệnh Cảnh sát cơ động là rất cần thiết và quan trọng”, đại biểu nêu rõ.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng quan tâm đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động trong dự thảo luật. Các đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum), Lương Văn Hùng (Đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, để thống nhất với một số luật liên quan, Ban soạn thảo cần xem xét, xác định vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động được nêu trong dự thảo luật là “lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội” nhằm tránh chồng lấn thẩm quyền, trách nhiệm với các lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển đã được pháp luật quy định. Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) đề nghị Ban soạn thảo xác định đúng vị trí, địa vị pháp lý, tính khác biệt của cảnh sát cơ động trong dự luật để không trùng lặp với các nội dung đã được quy định chung cho lực lượng Công an nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, dự thảo Luật Cảnh sát cơ động chưa quy định rõ địa bàn nào cảnh sát cơ động là lực lượng chủ trì, địa bàn nào là lực lượng phối hợp để tránh sự chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng. Còn đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn Hưng Yên) đề nghị làm rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục của cảnh sát cơ động trong việc huy động người, phương tiện trong trường hợp cấp bách để bảo đảm thống nhất với quy định pháp luật liên quan.
Về nội dung điều động cảnh sát cơ động, các đại biểu cho rằng, dự thảo luật cần xác định rằng, lực lượng này chỉ được điều động thực hiện những nhiệm vụ trong hoàn cảnh có tính khẩn cấp, khi các lực lượng khác không có điều kiện hoặc không thể thực hiện được, tránh tùy tiện, lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng lực lượng cảnh sát cơ động. Một số đại biểu cũng đề nghị ưu tiên tuyển chọn người dân tộc thiểu số vào lực lượng cảnh sát cơ động để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ tác chiến tại các khu vực vùng núi, biên giới...
Cân nhắc trang bị tàu bay cho cảnh sát cơ động
Đối với quy định về trang bị phương tiện tàu bay, tàu thuyền cho cảnh sát cơ động, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) và một số đại biểu cho rằng, việc sử dụng các phương tiện trên trong hoạt động của cảnh sát cơ động là cần thiết. Tuy nhiên, trong các tình huống cụ thể, đã có cơ chế để các đơn vị quân đội và một số lực lượng khác phối hợp bảo đảm hoặc huy động phương tiện, thiết bị để giải quyết...
Tranh luận với ý kiến trên, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) cho rằng, không nên vì tiết kiệm mà không ưu tiên trang bị tàu bay cho lực lượng cảnh sát cơ động, bởi phòng, chống được các tình huống nguy hiểm về an ninh trật tự, bảo vệ an ninh quốc gia là vấn đề không thể đo đếm được bằng tiền. “Thực tế quốc tế cho thấy, lực lượng tương tự như cảnh sát cơ động thường được ưu tiên trang bị hiện đại nhất”, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nói.
Về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động, cơ bản các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với phương án dự thảo luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động gồm: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và cảnh sát cơ động công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức. Theo các đại biểu, quy định này vừa bảo đảm xác định rõ mô hình tổ chức đặc thù của cảnh sát cơ động, vừa bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp, thống nhất của Bộ trưởng Bộ Công an đối với lực lượng có tính chất đặc biệt tinh nhuệ của Công an nhân dân.
Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, với vị trí, chức năng là lực lượng thuộc Công an nhân dân nên phạm vi hoạt động của cảnh sát cơ động đã được quy định tại Luật Công an nhân dân. Về nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, dự luật đã đưa ra các quy định trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp và bổ sung các nhiệm vụ mà lực lượng này đang thực hiện để bảo đảm tính ổn định, nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ. Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội.
Khép lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, 33 đại biểu phát biểu thảo luận và tranh luận về dự án Luật Cảnh sát cơ động cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành luật. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị làm rõ hơn vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động, không để chồng chéo, mâu thuẫn với những lực lượng khác và các quy định pháp luật có liên quan.
“Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại tổ và thảo luận trực tuyến về dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các đại biểu, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ ba”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.