Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm tính định hướng chung

Tuấn Lương| 03/11/2018 06:24

(HNM) - Chiều 2-11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

Việc Quốc hội thảo luận, tiến tới sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Ảnh: Vũ Long


Băn khoăn về quy hoạch xây dựng tỉnh

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh. Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị), tiếp cận với Điều 8, Nghị định 44/2015/NĐ-CP, ngày 6-5-2015, của Chính phủ đang có hiệu lực thi hành thì toàn bộ nội dung đồ án quy hoạch xây dựng tỉnh đã nằm trọn trong nội dung của Quy hoạch tỉnh quy định tại Khoản 2, Điều 27, Luật Quy hoạch. Nói cách khác, nội dung của quy hoạch tỉnh ngoài việc đã kế thừa toàn bộ nội dung hợp lý đang được triển khai trong thực tiễn của quy hoạch xây dựng tỉnh còn được bổ sung nhiều nội dung mới, đã bảo đảm đầy đủ, đồng bộ và là công cụ để quản lý tổ chức không gian, phân bổ mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường với định hướng dài hạn, lộ trình cụ thể.

Theo dự thảo luật, nếu vẫn để quy hoạch xây dựng tỉnh thì các tỉnh đồng thời phải lập hai loại quy hoạch: Một là, lập quy hoạch tỉnh theo phương pháp tích hợp gửi Hội đồng thẩm định gồm các thành viên là đại diện của các bộ, ngành, địa phương liên quan và các chuyên gia để tổ chức thẩm định. Nếu đạt yêu cầu thì Hội đồng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hai là, lập quy hoạch xây dựng tỉnh. Sau khi quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì UBND các tỉnh chỉ cần sao chép quy hoạch tỉnh, lược bỏ một số nội dung và đổi tên thành quy hoạch xây dựng tỉnh để tự tổ chức thẩm định và phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng. Như vậy, quy hoạch xây dựng tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng là một loại “giấy phép con”, kìm hãm sự phát triển.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) nhấn mạnh, việc tồn tại hai loại quy hoạch là quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh là quy hoạch cùng một cấp và với nội dung, phạm vi, mức độ chi tiết giống nhau là không hợp lý. Các tỉnh đồng thời phải lập hai loại quy hoạch như trên sẽ gây lãng phí về thời gian và kinh phí, không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống quy hoạch, không đáp ứng yêu cầu rút ngắn thủ tục... đặt ra khi ban hành Luật Quy hoạch.

Đại biểu Dương Xuân Hòa (Đoàn Lạng Sơn) nhận định, theo dự thảo luật, quy hoạch xây dựng tỉnh sẽ do UBND cấp tỉnh lập sau khi có sự thống nhất của Bộ Xây dựng. Quy định như vậy, một mặt chưa bảo đảm được nguyên tắc độc lập khi UBND tỉnh vừa lập, thẩm định, vừa phê duyệt quy hoạch. Mặt khác, quy định chỉ cần có sự thống nhất của Bộ Xây dựng cũng không phù hợp với quy định hiện hành về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng.

Tiếp tục nghiên cứu

Bên cạnh luồng ý kiến phản đối việc thực hiện song song hai quy hoạch cùng cấp nói trên, vẫn có không ít ý kiến đồng tình. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Luật Quy hoạch được ban hành ví như một cuộc cách mạng trong hoạt động quy hoạch.

Thống nhất các quy hoạch để tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn. Ảnh: Nhật Nam


Tư tưởng chủ đạo của Luật Quy hoạch là tích hợp các quy hoạch rời rạc thành quy hoạch thống nhất, mang tính định hướng chung, thống nhất để tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh quy hoạch chung, vẫn phải có quy hoạch ngành và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành như dự thảo luật quy định. Do vậy, nên để quy hoạch xây dựng tỉnh như là một quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành riêng để chi tiết hóa những nội dung phát triển không gian của quy hoạch tỉnh. Và quy hoạch xây dựng tỉnh chính là công cụ để Nhà nước thực hiện chức năng quản lý hoạt động xây dựng quy hoạch trên không gian tỉnh để bảo đảm chi tiết hóa không gian phát triển kinh tế - xã hội của lãnh thổ.

Thay mặt cơ quan soạn thảo báo cáo giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Quy hoạch là một luật rất khó nên phải thông qua 3 kỳ họp Quốc hội mới thông qua được. Sửa các luật để phù hợp với Luật Quy hoạch cũng là một thách thức rất lớn đối với cơ quan soạn thảo, bởi vì các luật nằm rải rác ở rất nhiều lĩnh vực liên quan.

Về nội dung có quy hoạch xây dựng tỉnh hay không có quy hoạch xây dựng tỉnh, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, từ kỳ họp trước đã có nhiều ý kiến nên phải để lại sang kỳ này và đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Sau một thời gian làm việc, cơ quan soạn thảo nhận thấy quy hoạch tỉnh đã có để tích hợp tất cả các loại vào nhưng còn ở mức độ rất chung, còn xây dựng tỉnh thì phải ở một mức độ chi tiết hơn để làm công cụ quản lý trong ngành xây dựng đối với quy hoạch ngành. Cơ quan soạn thảo cho rằng, đó là một quy hoạch chuyên ngành để cụ thể hóa quy hoạch xây dựng tỉnh ở mức độ chi tiết hơn. Tuy nhiên, ý kiến các đại biểu nêu có nhiều lý lẽ rất xác đáng, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu và tiếp tục xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để lãnh đạo, chỉ đạo thêm về nội dung này.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ có văn bản giải trình làm rõ thêm về các nội dung mà các đại biểu còn đang tranh luận. Phiên thảo luận vòng hai về dự thảo luật này được tổ chức vào chiều 9-11, trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm tính định hướng chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.