(HNM) - Ngày 19-6-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 54/NĐ-CP “Quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường”. Nghị định gồm 4 chương, 21 điều, quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh, trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ; vấn đề thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm…
Không ít quy định tại các văn bản trước đó - Nghị định số 103/2009/NĐ-CP, ngày 6-11-2009, của Chính phủ ban hành “Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng”, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP, ngày 12-11-2013, của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo cũng như một số văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... - tiếp tục được kế thừa, đưa vào Nghị định 54/NĐ-CP.
Chẳng hạn như quy định về diện tích tối thiểu của phòng karaoke, vũ trường; khoảng thời gian trong ngày không được tổ chức hoạt động karaoke; khoảng cách tối thiểu giữa điểm hoạt động karaoke, vũ trường và trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử, văn hóa, cơ quan hành chính nhà nước từ 200m trở lên; không được đặt chốt, khóa cửa từ bên trong phòng hát…
Điểm mới quan trọng nhất có lẽ nằm ở Chương III với các quy định về việc tạm dừng, thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường trong một số trường hợp cụ thể. Những điều khoản này đủ sức răn đe, khiến các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm không dám “lách luật” như trước.
Những vụ cháy quán karaoke tại Hà Nội có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, như từng xảy ra tại 68 phố Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) vào cuối năm 2016, khiến 13 người thiệt mạng; vụ cháy quán karaoke Nhật Thực tại một ngõ nhỏ trên phố Giảng Võ (quận Đống Đa) vào năm 2014 khiến 5 người chết… Nhiều quán karaoke, vũ trường trở thành nơi trú ngụ của dân “anh chị”, những kẻ buôn bán, sử dụng ma túy, hoạt động mại dâm, kinh doanh rượu trái phép…
Hệ lụy từ hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường lớn tới mức mà cách nay hơn chục năm, ngành Văn hóa từng nghĩ tới việc đề xuất cấm các hoạt động này. Nói vậy, để thấy, vấn đề quan trọng là việc triển khai thực hiện và giám sát công tác thực hiện để chính sách đi vào cuộc sống hiệu quả.
Việc ban hành Nghị định số 54/NĐ-CP, trong đó có quy định nghiêm khắc hơn được dư luận đặc biệt hoan nghênh. Tuy nhiên, hiệu quả quản lý có được tăng cường hay không, những vụ việc “lách luật” trước đây có bị ngăn chặn hay không và có được xử lý tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm hay không, phụ thuộc vào chất lượng công tác tuyên truyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền cơ sở khi triển khai thực hiện quy định mới. Nói cách khác là quy định phải đi vào đời sống, làm lành mạnh hóa hình thức sinh hoạt văn hóa có ích nhưng lâu nay tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh tệ nạn xã hội, thậm chí dẫn đến “cháy nhà, chết người”.
Nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý các cấp, ngành; tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ; xử lý đúng mức vi phạm…, là giải pháp chung nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.
Tuy vậy, để ngăn chặn tình trạng “nhờn luật”, “lách luật” từng xảy ra trong một khoảng thời gian dài dù chúng ta đã ban hành tương đối nhiều văn bản quy phạm pháp luật, điều cần thực hiện sớm là nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đúng người, đúng tội. Cần chú ý phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời mối quan hệ nâng đỡ, bảo kê hành vi vi phạm của cán bộ các cấp khi điều đó xảy ra.
Việc thực hiện nghiêm quy định của pháp luật không chỉ nhằm ngăn chặn hành vi xấu, mà còn giúp khôi phục lòng tin và sự tham gia của người dân vào một hình thức sinh hoạt văn hóa có ích.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.