Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm sức khỏe người bệnh từ bếp ăn bệnh viện

Xuân Lộc| 02/08/2018 06:50

(HNM) - Trong tháng 7-2018, các đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội, Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã kiểm tra hơn 40 bếp ăn tập thể của các bệnh viện tuyến trung ương và thành phố trên địa bàn.

Lấy mẫu thực phẩm kiểm tra tại bếp ăn Bệnh viện Đa khoa Đông Anh.


Vẫn tồn tại vi phạm...

Bếp ăn Bệnh viện Đa khoa Đông Anh hoạt động từ tháng 11-2017 do Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và sản xuất Đức Tiến đảm nhận. Tại đây, trung bình cung cấp từ 300 đến 500 suất ăn/ngày cho cán bộ, nhân viên bệnh viện, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở đấu thầu bếp ăn đã xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý.

Tuy nhiên, khi kiểm tra trên thực tế, khu vực bếp sắp xếp chưa gọn gàng, chưa tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm. Hệ thống thoát nước kém khiến nước ứ đọng trên mặt sàn, khu vực tập kết rác ngay cửa khu tiếp nhận thực phẩm, dụng cụ vệ sinh sàn nhà bếp để không đúng nơi quy định, thực phẩm sống - chín để lẫn lộn dù đã có tủ bảo quản riêng. Thêm vào đó, cửa sổ khu bếp và tủ đựng bát đĩa không trang bị lưới che chắn côn trùng. Đoàn kiểm tra đã xét nghiệm tinh bột bám trên bát đĩa được lấy ngẫu nhiên, kết quả 3/10 mẫu không đạt tiêu chuẩn.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, bếp ăn tập thể được Khoa Dinh dưỡng của bệnh viện phụ trách. Tại đây, Khoa Dinh dưỡng có trách nhiệm chăm lo, phục vụ ăn uống cho người bệnh nội trú, người nhà người bệnh và cán bộ, viên chức của bệnh viện bảo đảm về số lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là quản lý chặt chẽ chế độ ăn uống theo từng bệnh lý. Thế nhưng, do khu vực bếp có diện tích chật hẹp, nên mặc dù tuân thủ theo nguyên tắc một chiều, song khu vực sơ chế đồ sống và đồ chín còn gần nhau, nền nhà bếp trơn trượt, thiếu các lưới chắn côn trùng tại các cửa sổ…

Theo đánh giá của ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Vì vậy, quy trình chế biến thức ăn tại bệnh viện phải bảo đảm tuyệt đối an toàn. Kết thúc mỗi buổi kiểm tra, đoàn kiểm tra đều yêu cầu các đơn vị có những lỗi vi phạm khẩn trương khắc phục. Mặt khác, đoàn kiểm tra cũng yêu cầu bệnh viện giám sát quá trình khắc phục vi phạm của đơn vị phụ trách bếp ăn. Nếu đơn vị cố tình không thực hiện sẽ kiên quyết xử lý hoặc chấm dứt hợp đồng.

Tăng cường quản lý nguồn gốc thực phẩm

Khó khăn lớn nhất đối với việc quản lý các bếp ăn tập thể nói chung và bếp ăn bệnh viện nói riêng, đó là vấn đề truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Vậy, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các bếp ăn bệnh viện được tiến hành như thế nào?

Về vấn đề này, bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, các thực phẩm đưa vào bếp ăn bệnh viện nói riêng và bếp ăn tập thể nói chung phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chí, đó là có nguồn gốc rõ ràng, có hợp đồng mua bán giữa nơi tiếp nhận và nơi cung cấp thực phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm của đơn vị cung cấp, có hóa đơn mua bán hằng ngày. Nếu là sản phẩm động vật phải có giấy kiểm dịch thú y. Còn với sản phẩm bao gói sẵn phải có bản công bố tiêu chuẩn chứng minh sự an toàn…

“Qua kiểm tra, nếu phát hiện sản phẩm có nghi ngờ xảy ra ngộ độc thực phẩm, cơ quan chức năng sẽ tạm thời đình chỉ sản phẩm để truy xuất nguồn gốc. Trách nhiệm chính để xảy ra các sai phạm trong vấn đề an toàn thực phẩm cũng như để xảy ra ngộ độc thực phẩm là cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tiếp đến là xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và các đoàn thể…” - bà Hoàng Thị Minh Thu cho biết.

Cũng theo bà Hoàng Thị Minh Thu, dinh dưỡng bệnh viện đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phục hồi sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, qua mỗi đợt kiểm tra, Sở Y tế Hà Nội, Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội đều yêu cầu các đơn vị y tế tích cực đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động dinh dưỡng tại bệnh viện; bổ sung dụng cụ chuyên dụng như: Dụng cụ bảo quản và chế biến thực phẩm, dụng cụ bảo quản thức ăn, dụng cụ lưu mẫu thức ăn, hệ thống rửa, bảo quản dụng cụ; phương tiện vận chuyển suất ăn tới người bệnh và cả bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh về an toàn thực phẩm…

Để quản lý chất lượng an toàn thực phẩm của bếp ăn, theo bà Hoàng Thị Minh Thu, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, hằng ngày, phòng điều dưỡng, khoa dinh dưỡng của bệnh viện cần kiểm tra chất lượng thực phẩm tươi sống, kiểm tra thức ăn chín; đồng thời ghi nhận ý kiến của bệnh nhân về các suất ăn sau mỗi cuộc họp hội đồng người bệnh để trao đổi với nhà bếp.

Cùng với đó, tại các bệnh viện sẽ xây dựng các tài liệu truyền thông về dinh dưỡng, tiết chế, an toàn thực phẩm và phổ biến cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế trong bệnh viện; tổ chức giáo dục sức khỏe và hướng dẫn cho người bệnh, người nhà người bệnh thực hiện chế độ ăn và an toàn thực phẩm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm sức khỏe người bệnh từ bếp ăn bệnh viện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.