Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm sự bình đẳng thực chất

Hồng Ngọc - Dương Linh| 19/05/2016 06:42

(HNM) - Làm thế nào để bảo đảm sự bình đẳng thực chất so với nam giới, tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021?

Vai trò ngày càng lớn

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử là mục tiêu phấn đấu của bình đẳng thực chất. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị nói chung và trong hệ thống các cơ quan dân cử nói riêng. Kết quả bầu cử đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 cho thấy, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy ở cả 4 cấp đều đạt cao hơn nhiệm kỳ trước.

Cử tri cần tạo điều kiện để phụ nữ có nhiều tiếng nói trong cơ quan dân cử. Ảnh: Viết Thành


Tại Hà Nội, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy ở cơ sở nhiệm kỳ 2015-2020 đạt 22,1% (nhiệm kỳ trước 16,2%); số nữ tham gia cấp ủy cấp trên cơ sở là 16,5% (nhiệm kỳ trước 15%); số nữ tham gia BCH Đảng bộ thành phố là 12%. Hiện có 4 nữ cán bộ chủ chốt trong Ban Thường vụ Thành ủy (chiếm 25%); 16 đồng chí là trưởng, phó các ban Đảng, HĐND thành phố, bí thư, phó bí thư quận, huyện ủy; 18 phó chủ tịch HĐND và UBND quận, huyện, thị xã và 23 nữ giám đốc, phó giám đốc các sở, ngành, đoàn thể.

Đã có sự tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, từ con số 3% nữ ĐBQH tham gia khóa I đến tỷ lệ 24,4% của Quốc hội khóa XIII. Không chỉ tăng về số lượng, trong hoạt động chất vấn tại nghị trường, đại biểu nữ đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật. Đại biểu nữ thường đi đầu trong việc nêu ra các lập luận, chứng cứ thuyết phục, phân tích tác động của chính sách dưới góc độ giới, tác động bất lợi và trực tiếp đến phụ nữ nói riêng và các nhóm yếu thế trong xã hội nói chung. Tuy vậy, tỷ lệ nữ ĐBQH ở từng nhiệm kỳ có tăng, nhưng chưa thật bền vững (khóa VII: 21,77%; khóa VIII: 18%, khóa IX: 18,84%, khóa X: 26,2%, khóa XIII: 24,4%).

Làm gì để tăng tỷ lệ đại biểu nữ?

Số liệu của các kỳ bầu cử trước cho thấy, trong danh sách ứng cử chính thức vào Quốc hội, chỉ có 31% là nữ. Để phấn đấu đạt 35% trở lên đại biểu nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp thì phải bảo đảm giới thiệu nữ ứng cử viên cao hơn tỷ lệ nói trên. Và trên thực tế, đã thực hiện được như vậy. Trong danh sách 870 người ứng cử ĐBQH khóa XIV, có 339 nữ. Ngay sau khi danh sách người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp chính thức được công bố, các cấp, ngành đã tăng cường tập huấn kỹ năng vận động bầu cử cho các ứng cử viên nói chung, nữ ứng cử viên nói riêng.

Ngoài việc này, sự tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của cán bộ, nhân dân về bình đẳng giới, về vai trò, vị trí và những đóng góp của phụ nữ trong tham gia quản lý, lãnh đạo. Thực tế cho thấy, sự hạn chế của phụ nữ trong việc tham gia vào các cơ quan dân cử không hẳn do không đủ năng lực mà còn do các yếu tố thuộc về nhận thức giới và các yếu tố khách quan khác. Trong quá trình khắc phục các hạn chế này, các cơ quan truyền thông đóng vai trò quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới, thúc đẩy tích cực sự ủng hộ phụ nữ tham gia mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực chính trị.

Một yếu tố quan trọng nữa, đó là chính các ứng cử viên nữ phải tự khẳng định được bản thân. Thực tế cũng cho thấy, các ứng cử viên nữ thường thể hiện tâm lý lo lắng, thiếu tự tin khi trình bày kế hoạch hành động trước cử tri cũng như thiếu tự nhiên khi tiếp xúc với các cơ quan truyền thông. Vì vậy, cùng với những kỹ năng đã được trang bị thông qua các lớp tập huấn, các ứng cử viên nữ cần thực sự tự tin vào chính mình, vào truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ, vào chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong việc ủng hộ tăng cường phụ nữ tham gia vào hệ thống chính trị.

Chỉ còn vài ngày nữa sẽ diễn ra bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Bằng lá phiếu trách nhiệm, cử tri cần tạo điều kiện để phụ nữ nói tiếng nói của chính mình trong cơ quan dân cử và thực hiện quyền làm chủ một cách bình đẳng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm sự bình đẳng thực chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.