(HNM) - Theo Bộ Tài chính, năm 2012, tổng kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội (ASXH) khoảng 323.920 tỷ đồng, đã giúp số hộ nghèo giảm từ 28,9% xuống mức 11,5%; chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn giảm từ 2,29 lần (năm 1999) còn 1,98 lần...
Bảo hiểm y tế, một trong những chương trình an sinh xã hội được triển khai hiệu quả. Ảnh: Thái Hiền |
Dành 35,8% tổng chi ngân sách nhà nước cho ASXH
TS Vũ Như Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, những năm qua, chính sách ASXH được ban hành và triển khai thực hiện với nhiều chương trình như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các chính sách bảo trợ xã hội, ưu đãi xã hội và dịch vụ xã hội. Đến nay, công tác bảo đảm ASXH đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Số hộ nghèo đã giảm từ 28,9% (năm 2002) xuống khoảng 11,5% năm 2012. Chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn giảm từ 2,29 lần (năm 1999) còn 1,98 lần (năm 2010). Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện.
Xét về mặt tài chính, năm 2012, ngân sách đã chi trả đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi ASXH với tổng kinh phí khoảng 323.920 tỷ đồng, bằng 35,8% tổng chi ngân sách nhà nước. Việc chi cho ASXH được thể hiện qua 4 nhóm chính sách: Hỗ trợ thực hiện cải cách tiền lương khoảng 260.900 tỷ đồng; hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng khoảng 53.940 tỷ đồng; miễn, giảm các khoản đóng góp của dân (một số loại thuế, thủy lợi phí, tiền thuê đất…) khoảng 4.200 tỷ đồng và cho vay đối với đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, học sinh và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn… khoảng 4.880 tỷ đồng. Ngoài ra, Chính phủ đã xuất cấp 41.376 tấn gạo dự trữ quốc gia trị giá khoảng 413 tỷ đồng để cứu trợ cho nhân dân ở những vùng bị thiếu ăn, giáp hạt.
Đánh giá vai trò của hệ thống pháp luật ASXH, TS Hoàng Thị Thanh Thủy, chuyên gia của Dự án Quỹ tín thác đa biên (MDTF2) cho biết, một hệ thống pháp luật được thiết kế tốt sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của mỗi quốc gia. Thông qua hệ thống pháp luật ASXH, Nhà nước tạo hành lang pháp lý để phân phối lại thu nhập cho người nghèo và những người dễ bị tổn thương, nhanh chóng tác động lên nghèo đói và bất bình đẳng xã hội. Tại Việt Nam, hệ thống pháp luật ASXH tập trung vào 4 nhóm lĩnh vực cơ bản là: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo trợ xã hội và ưu đãi xã hội. Thông qua việc áp dụng các cơ chế điều tiết, phân phối lại thu nhập giữa các khu vực kinh tế, các vùng kinh tế và nhóm dân cư, ASXH được coi như một "giá đỡ", bảo đảm thu nhập cho người dân. Đặc biệt, hệ thống pháp luật ASXH góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững thông qua việc "điều hòa" các mâu thuẫn xã hội.
Từng bước hoàn thiện chính sách ASXH
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song theo các chuyên gia, chính sách ASXH vẫn tồn tại nhiều bất cập. Hệ thống pháp luật ASXH phát triển chưa đầy đủ, toàn diện, thiếu sự liên kết và hỗ trợ nhau giữa các chính sách. Diện bao phủ của chính sách mặc dù tăng nhanh nhưng chưa cao, chủ yếu tập trung ở TP lớn, vùng có điều kiện KT-XH. Hệ thống chính sách trợ giúp việc làm, xóa đói giảm nghèo chậm được kết nối vào hệ thống tổng thể về ASXH dẫn tới sự rời rạc, chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn tài chính chủ yếu tập trung ở khu vực nhà nước, việc huy động đa dạng hóa các nguồn lực còn hạn chế, thiếu chế tài khuyến khích DN thực hiện nghĩa vụ tài chính trong bảo đảm ASXH…
Theo các chuyên gia, việc tổ chức hệ thống và chính sách ASXH trong thời gian tới cần lưu ý 4 nội dung. Đầu tiên, cần xây dựng hệ thống ASXH toàn diện, vững chắc, đa tầng và linh hoạt trên cơ sở các chính sách huy động được nhiều nguồn lực và nhiều lớp phòng ngừa, bảo đảm mọi người dân được tham gia. Hệ thống cần được hoàn thiện theo hướng bảo đảm nhu cầu tối thiểu cho những người tham gia và nâng dần mức độ tác động tới các đối tượng thụ hưởng. Mọi thành viên tham gia hệ thống phải được bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ. Việc chi tiêu công cho các chương trình trợ giúp xã hội hiện nay còn thấp đòi hỏi phải có sự rà soát, cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ trọng cho chương trình trợ giúp xã hội, chương trình giảm nghèo và phát triển thị trường lao động.
Để thực hiện được định hướng này, cần đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về ASXH, phối hợp đồng bộ chính sách với các chính sách phát triển KT-XH khác. Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện tổ chức quản lý hệ thống ASXH và tăng cường vai trò của Nhà nước cũng như khuyến khích cộng đồng DN tham gia lĩnh vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.