Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm cung ứng xăng, dầu

Đoàn Nam| 08/11/2022 06:04

(HNM) - Sau thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, gần đây, tại Hà Nội cũng xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu tạm ngừng kinh doanh hoặc bán với số lượng hạn chế, gây ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống của người dân. Những tháng cuối năm 2022, cùng với nhu cầu đi lại, giao thương tăng mạnh, vấn đề cung ứng mặt hàng xăng, dầu có nguy cơ trở thành “điểm nóng” nếu không có các giải pháp đồng bộ, kịp thời.

Về nguyên nhân của tình trạng trên, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nguồn cung xăng, dầu trên thế giới ngày càng khan hiếm, châu Âu và các nền kinh tế lớn tăng mua, đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường Việt Nam. Mặt khác, tỷ giá ngoại tệ nhập khẩu xăng, dầu biến động mạnh. Việc tiếp cận vốn, ngoại tệ, hỗ trợ thanh toán của nhiều doanh nghiệp đang hết sức khó khăn. Trong khi đó, các chi phí liên quan đến giá xăng, dầu chưa được tính toán đầy đủ, điều chỉnh kịp thời nên tình trạng đứt gãy cục bộ nguồn cung tiếp tục diễn ra, nhất là tại các thành phố lớn…

Cùng với những động thái đã triển khai trước đó, ngày 2-11, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối kinh doanh xăng, dầu chủ động phối hợp, cân đối từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung liên tục cho thị trường trong nước. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã thống nhất điều chỉnh chi phí đưa xăng, dầu về cảng; chỉ đạo các đơn vị sản xuất trong nước tăng sản lượng… Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ, các cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu, nhất là các quy định về thời gian điều hành giá xăng, dầu; quỹ bình ổn giá xăng, dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về kinh doanh xăng, dầu; các tiêu chuẩn, điều kiện, quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối… Bên cạnh đó, bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời, khách quan, trung thực, phản ánh tổng thể tình hình thị trường xăng, dầu trên thế giới và trong nước, giữa bối cảnh có nhiều khó khăn như hiện nay. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định các hành vi đầu cơ, buôn lậu xăng, dầu qua biên giới và các vi phạm khác trong kinh doanh mặt hàng này; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng, dầu và an ninh năng lượng quốc gia.

Ngoài ra, cần kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu, trong đó có việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán...

Về phía doanh nghiệp, cần nâng cao trách nhiệm trong bảo đảm duy trì nguồn cung xăng, dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, thể hiện rõ tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Rõ ràng, trước sức nóng của thị trường xăng, dầu những ngày gần đây, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các cơ quan chức năng cần chủ động hơn nữa để bắt kịp thực tiễn, xử lý các vấn đề phát sinh. Nói cách khác là cần phản ứng chính sách kịp thời nhằm “hạ nhiệt”, tránh để kéo dài tình trạng thiếu xăng, dầu cục bộ, không để ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm cung ứng xăng, dầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.