Trong những ngày này, bà con nông dân Thủ đô cũng như cả nước đang tất bật cho vụ thu hoạch nông sản, thực phẩm để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Với thị trường tiêu thụ có quy mô lớn nhất nhì cả nước, Hà Nội đã chủ động triển khai thực hiện hệ thống giải pháp từ sớm để bảo đảm việc cung ứng đầy đủ nguồn nông sản, thực phẩm phục vụ người dân đón Tết. Theo đó, ở các vùng sản xuất rau màu, hoa, cây cảnh lớn ở các quận, huyện: Mê Linh, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thường Tín, Phú Xuyên, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ…, như mọi năm, bà con nông dân đã chủ động nuôi trồng các loại cây, con để bảo đảm cung ứng đa dạng sản phẩm đúng dịp Tết Nguyên đán với chất lượng tốt, an toàn thực phẩm. Mặt khác, các cơ quan chức năng, địa phương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ, lễ hội nông sản… để tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận các mặt hàng một cách thuận lợi và chính thống.
Đáng chú ý, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong và sau Tết Giáp Thìn, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã rà soát, thống kê lại cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý; qua đó, lập danh sách 17.417 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Trên cơ sở đó, ngành thường xuyên đôn đốc các quận, huyện, thị xã tích cực tuyên truyền, tập huấn, tổ chức ký cam kết bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Theo dự báo của cơ quan chức năng, ước tính nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu của Hà Nội trong dịp này như sau: Gạo khoảng 96.700 tấn/tháng, thịt lợn 19.500 tấn/tháng, thịt bò 5.350 tấn/tháng, thịt gà 6.500 tấn/tháng, trứng gia cầm 130 triệu quả/tháng, thủy sản 19.250 tấn/tháng, thực phẩm chế biến nông lâm thủy sản 5.350 tấn/tháng, rau củ khoảng 107.500 tấn/tháng, trái cây 56.000 tấn/tháng. Hà Nội cơ bản đáp ứng đủ đối với các sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm; nông sản thực phẩm khác khả năng đáp ứng khoảng 20-70%. Lượng hàng hóa nông sản còn thiếu và sản phẩm đặc sản vùng miền phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Thủ đô được các kênh phân phối, doanh nghiệp, siêu thị, đơn vị khai thác từ các tỉnh, thành phố và một phần từ nhập khẩu.
Để bảo đảm thị trường nông sản, thực phẩm phát triển ổn định trước, trong và sau Tết Giáp Thìn, các ngành chức năng cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp trong lĩnh vực sản xuất cũng như thương mại. Đối với sản xuất, trong bối cảnh thời tiết rét đậm, rét hại như hiện nay, cơ quan chức năng cần tăng cường hướng dẫn nông dân chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, cùng với việc khẩn trương thu hoạch nông sản để kịp thời cung ứng cho thị trường dịp trước Tết, bà con nông dân cần đồng thời thực hiện các biện pháp chăm sóc đối với diện tích cây trồng, vật nuôi phục vụ cho thị trường sau Tết. Đối với lĩnh vực thương mại, các ngành chức năng, địa phương cần tiếp tục mở rộng kênh tiêu thụ nông sản, thực phẩm, bao gồm cả trực tiếp và trực tuyến, đặc biệt quan tâm đến vùng nông thôn, các khu, điểm công nghiệp, vùng sâu, vùng xa và miền núi.
Cùng với đó, các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần theo dõi chặt chẽ, thông tin thường xuyên tình hình sản xuất, nguồn cung, giá bán, diễn biến dịch bệnh, thời tiết...; từ đó đánh giá năng lực cung ứng mặt hàng thực phẩm thiết yếu để có phương án bảo đảm nguồn cung và bình ổn giá trong mọi tình huống. Đồng thời, các đơn vị, địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, lấy mẫu, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.