(HNM) - Một trong những điểm rất đáng chú ý tại Hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng là trong phát biểu chỉ đạo, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh gợi mở, năm 2017, ngành nên chọn công tác đánh giá cán bộ làm khâu đột phá.
Quả thực, đây là vấn đề rất đáng suy ngẫm, cùng với đó là những trăn trở, kỳ vọng, không chỉ đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên mà với nhân dân cả nước! Đánh giá cán bộ, một vấn đề hết sức hệ trọng đã được “nhận diện”, đồng thời trở đi trở lại nhiều lần.
Bên cạnh mặt tích cực là chủ đạo, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng chỉ ra những biểu hiện không thể không trăn trở, đó là: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn.
Những biểu hiện đó tất yếu liên quan công tác đánh giá cán bộ.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), cũng nhấn mạnh vấn đề này, đáng lưu ý là những biểu hiện suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... tồn tại “ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp”. Rồi nhiều cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế cơ sở... Nhân dân bất bình, giảm niềm tin đối với “một bộ phận cán bộ, đảng viên yếu kém về trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm hoặc thoái hóa, biến chất”...
“Hoàn thiện quy chế đánh giá cán bộ một cách khoa học, phù hợp” như tinh thần Nghị quyết 04-NQ/TƯ là yêu cầu tất yếu, qua đó để làm giảm xuống mức thấp nhất số cán bộ, đảng viên có những biểu hiện như đã đề cập. Yêu cầu này có tính cấp bách, đòi hỏi cách làm căn cơ, bài bản.
Đó chính là sự tiếp tục một cách kiên trì, bền bỉ những vấn đề có tính định hướng mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra, đó là: Tiếp tục ban hành và thực hiện các quy định, quy chế, cơ chế trong công tác cán bộ bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp; trong đó có quy chế về việc đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ, để có cơ sở sử dụng, bố trí cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp... Bên cạnh đó, để có cán bộ, đảng viên vừa “hồng” vừa “chuyên”, sự tham gia, giám sát, đóng góp, xây dựng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, quần chúng nhân dân đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Quy chế đánh giá cán bộ khoa học, phù hợp sẽ đáp ứng được tinh thần đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, công tác bầu cử trong Đảng, từ đó lựa chọn những người thực sự có đức, có tài giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu; có được đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Để đánh giá đúng cán bộ, không gì hơn là phải gắn "thước đo" cán bộ với kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ cá nhân được giao, và cả với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của bộ phận, cơ quan, đơn vị mà cán bộ đó được giao phụ trách. Chỉ có vậy mới khắc phục được một thực tế khá phổ biến hiện nay là tất cả các cá nhân đều "hoàn thành tốt" nhiệm vụ, nhưng chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của tập thể lại chỉ ở mức trung bình.
Bàn về công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Lời dạy ấy luôn vẹn nguyên giá trị và đầy tính thời sự. Thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ, chúng ta sẽ có đảng viên tốt, cán bộ tốt, bảo đảm cho mọi công việc thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.