Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm chặt chẽ, công bằng trong xét tặng danh hiệu nghệ nhân

Thanh Thủy thực hiện| 24/12/2017 07:22

(HNM) - TP Hà Nội vừa hoàn thành việc thẩm định hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú đợt II - năm 2018. Để tìm hiểu về quá trình xét duyệt hồ sơ của Hội đồng thẩm định, hướng tới các tiêu chí minh bạch, chặt chẽ và chính xác, bảo đảm vinh danh người xứng đáng, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến về vấn đề này.

Trình diễn hát và múa Ải Lao.


- Xin ông cho biết nét mới trong đợt xét tặng các danh hiệu nghệ nhân lần này?

- Đợt xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú lần này nổi bật cả về số lượng hồ sơ và mức độ bao phủ các loại di sản văn hóa phi vật thể. Nếu như trong “mùa” 1, Hà Nội chỉ có 39 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thì nay đã có tới 140 hồ sơ. Danh sách đa dạng, trong đó có nhiều di sản lần đầu tiên được đưa vào danh sách đề nghị: Tri thức dân gian tạo tác cây cảnh, làm xôi, bánh chưng; tập quán xã hội và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu; nghệ thuật trình diễn ải lao, kéo co ngồi, múa bồng, hát sa mạc, diều sáo… Đây cũng là lần đầu tiên Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân.

Việc được vinh danh thực sự có ý nghĩa với những người làm công tác gìn giữ, trao truyền di sản, đồng thời cũng là áp lực với những người làm công tác thẩm định, xét duyệt hồ sơ khi phải bảo đảm sự chặt chẽ, công bằng, không để lọt người xứng đáng.

- Ông vừa nhắc tới áp lực…


- Đúng vậy! Hồ sơ xét tặng nhiều gấp 4 lần so với đợt đầu nên công tác thẩm định cần được chuẩn bị kỹ, cẩn trọng hơn. Việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể không giống với lĩnh vực khác hay danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú vốn có tiêu chí cụ thể, rạch ròi, mà chủ yếu là đánh giá quá trình cống hiến của các nghệ nhân. Việc phong tặng không phải là ban phát mà là tôn vinh, ghi nhận chính xác đóng góp của các nghệ nhân đối với tri thức văn hóa của dân tộc. Chính vì vậy, việc phong tặng và vinh danh nghệ nhân phải được thực hiện theo quy trình, quy chế hết sức chặt chẽ với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa truyền thống, nghệ thuật dân gian, sự tham vấn của Hội Di sản văn hóa Thăng Long, các nghệ nhân gạo cội thuộc lĩnh vực có nghệ nhân được xét duyệt hồ sơ.

- Công tác thẩm định hồ sơ được tổ chức như thế nào, thưa ông?

- Nghệ nhân có nguyện vọng sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu với sự hướng dẫn của cán bộ văn hóa cơ sở, đồng thời được tổ chức cuộc họp lấy ý kiến biểu quyết từ cộng đồng dân cư nhằm xác định rõ mức độ cống hiến của người gìn giữ, trao truyền di sản. Sau khi hoàn thành các thủ tục này, hồ sơ đề nghị được gửi về bộ phận thường trực của Hội đồng thẩm định để rà soát và tổng hợp danh sách, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Sau bước này, bộ phận thường trực tiếp tục tổng hợp hồ sơ, gửi đến các thành viên trong Hội đồng; tổ chức các đoàn khảo sát thực tế đối với những hồ sơ cần bổ sung và đánh giá thêm.

Hội đồng thẩm định đã tổ chức họp, trao đổi ý kiến chuyên môn đối với từng hồ sơ cụ thể theo các tiêu chuẩn đã được quy định tại Nghị định 62/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu nghệ nhân của Chính phủ. Sau khi họp và trao đổi ý kiến, các thành viên Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu kín với yêu cầu hồ sơ phải đạt tỷ lệ đồng thuận trên 90% trở lên mới được chuyển tới cấp trên phê duyệt. Kết quả, Hội đồng thẩm định xét chọn 12 nghệ nhân để đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, 58 nghệ nhân được đề nghị phong tặng Nghệ nhân ưu tú.

- Theo kết quả đã được công bố, có tới một nửa số hồ sơ ban đầu chưa phù hợp với các tiêu chí xét tặng danh hiệu, ông có thể cho biết thêm về điều này?


- Trong 70 hồ sơ phải để lại đợt này, có nhiều trường hợp chưa đáp ứng tiêu chuẩn về số năm thực hành di sản, tỷ lệ tín nhiệm của cư dân cũng như hiệu quả trong công tác truyền dạy... Đối với hồ sơ về lễ hội, do Hà Nội có số lượng lễ hội rất lớn nên Bộ VH-TT&DL cần có hướng dẫn cụ thể để làm căn cứ thẩm định, bảo đảm việc xét tặng chính xác, khách quan. Các hồ sơ về tri thức dân gian tạo tác cây cảnh đã được Sở Công Thương đề xuất phong tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ, nên được đề nghị chuyển sang Sở Công Thương xem xét.

Đợt xét tặng này có nhiều hồ sơ liên quan tới nghệ thuật trình diễn như tuồng, chèo, trong đó có nhiều người trải qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp rồi về địa phương hoạt động nghệ thuật. Những trường hợp này, do chưa được quy định cụ thể trong Nghị định 62/2014/NĐ-CP nên còn nhiều ý kiến tranh luận về yếu tố gốc của di sản cũng như tính chất truyền dạy thiên về mục đích trình diễn hơn là khôi phục, bảo tồn di sản. Một số ý kiến cho rằng nên xem xét các trường hợp này ở Hội đồng phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân. Trước những băn khoăn này, Hội đồng thẩm định thống nhất “gác” hồ sơ, chờ hướng dẫn mới.

- Để bảo đảm hồ sơ được xét tặng theo đúng kế hoạch, ngành sẽ triển khai công tác này như thế nào trong thời gian tới?

- Danh sách nghệ nhân được đề nghị phong tặng danh hiệu đang được công bố rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân. Kết thúc đợt lấy ý kiến, bộ phận thường trực của Hội đồng sẽ thu thập ý kiến (nếu có) để rà soát, củng cố hồ sơ. Trong trường hợp không có ý kiến gì, Hội đồng sẽ làm văn bản chính thức đề nghị UBND TP Hà Nội trình cấp có thẩm quyền xem xét.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm chặt chẽ, công bằng trong xét tặng danh hiệu nghệ nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.