(HNM) - Trong những ngày này, cùng với các hoạt động kỷ niệm ngày 8-3, các cấp Hội Phụ nữ từ TƯ tới cơ sở đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để chị em góp thêm tiếng nói thể hiện rõ ý chí, nguyện vọng tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Qua đó, phụ nữ Thủ đô nói riêng và phụ nữ cả nước nói chung mong muốn Hiến pháp bổ sung những quy định, tạo điều kiện để phái đẹp vừa bảo đảm thiên chức của người vợ, người mẹ, vừa có cơ hội cống hiến cho xã hội.
Tiếp cận, góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, phần lớn chị em phụ nữ có chung nhận định Dự thảo đã có nhiều điểm mới, ngắn gọn, súc tích, kế thừa được nội dung của các bản Hiến pháp trước đó và xu thế phát triển mới của đất nước. Tại bản Dự thảo sửa đổi lần này có 4 điều đề cập đến vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam và 9 điều liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình và bình đẳng giới. Đây cũng là các nội dung chính được nhiều chị em phụ nữ đặc biệt lưu tâm tại các hội nghị góp ý.
Mong muốn chức năng, vai trò, vị trí của Hội LHPN Việt Nam được hiến định ngay trong Hiến pháp, nhiều ý kiến đề xuất nên có một điều dành riêng cho Hội. Trong đó, quy định rõ Hội LHPN Việt Nam là một đoàn thể chính trị, xã hội đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam. Bà Phạm Thị Thơm, Hội LHPN phường Trung Liệt, quận Đống Đa (Hà Nội) bày tỏ, điều 9 của Dự thảo mới đề cập chung tới các tổ chức thuộc MTTQ Việt Nam mà chưa thể hiện rõ vai trò, vị thế của Hội LHPN Việt Nam. Nếu không quy định một điều riêng thì tại Điều 9 khi đề cập MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội thì cũng nên làm rõ khái niệm thế nào là tổ chức chính trị, chính trị - xã hội hoặc liệt kê đầy đủ tên các tổ chức, trong đó có Hội Phụ nữ.
Đi sâu vào các điều, khoản liên quan trực tiếp đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, Điều 39 của Dự thảo quy định "Nam, nữ có quyền kết hôn và ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em" đã nhận được nhiều góp ý. Có ý kiến đề nghị Hiến pháp nên bổ sung quyền ly hôn đơn phương cho phụ nữ vì trên thực tế có nhiều chị em phải gánh chịu những bạo lực cả về tinh thần cũng như thể chất, muốn ly hôn để được giải thoát nhưng không được giải quyết vì người chồng không muốn ly hôn hoặc nếu có thì cũng mất rất nhiều thời gian, thủ tục.
Bà Nguyễn Thị Tài, Hội Phụ nữ phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình (Hà Nội) góp ý: Hiện quyền bình đẳng của chị em đôi khi còn chưa được thực hiện nghiêm chỉnh, bạo lực đối với phụ nữ và con cái chưa giảm. Trong xã hội vẫn còn hiện tượng trọng nam khinh nữ, vì vậy trong Điều 39 nên thay từ "bảo hộ" bằng "bảo vệ" để tăng hiệu lực, hiệu quả khi thực hiện. Thậm chí, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung "Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi người mẹ và trẻ em" thành Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo đảm cơ hội bình đẳng và hỗ trợ các điều kiện theo đặc thù giới tính để phụ nữ thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân và thiên chức người mẹ. Các thành viên trong gia đình phải chia sẻ công việc và bảo đảm phụ nữ làm mẹ được an toàn. Gia đình, nhà trường và xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện để trẻ em, nhất là trẻ em gái phát triển toàn diện, bảo đảm thực hiện vai trò người mẹ trong tương lai.
Với tỷ lệ chiếm hơn 50% dân số cả nước và 48% lực lượng lao động toàn xã hội, phụ nữ Thủ đô nói riêng và phụ nữ cả nước nói chung mong muốn Hiến pháp sửa đổi không chỉ khẳng định vị trí, vai trò của Hội LHPN Việt Nam mà còn đưa ra được những nguyên tắc bình đẳng về quyền, về cơ hội và tạo điều kiện thuận lợi nhất để chị em có thể vừa "đảm việc nước" lại "giỏi việc nhà".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.