Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an toàn bể bơi mùa hè: Tăng kiểm tra, giám sát

Mai Hoa| 27/04/2019 06:25

(HNM) - Trong những ngày nắng hè oi ả, được bơi lội trong làn nước mát thực sự là niềm vui lớn đối với mỗi người, đặc biệt là các em nhỏ. Nhưng đây đó vẫn còn nỗi lo về chất lượng nước và công tác bảo đảm an toàn tại bể bơi mùa hè...

Các em nhỏ cần được bơi trong môi trường nước, bể bơi an toàn.


Nhiều yếu tố đáng lưu ý

"Cả hai bé sinh đôi nhà tôi đang học lớp 6, đều được gia đình kiên trì cho học bơi và nay đã biết bơi. Năm ngoái, tôi vẫn cho các cháu bơi ở các bể gần nhà, nhưng thú thực là mỗi tháng cũng chỉ được ít buổi vì các cháu ngại nước bể đậm mùi hóa chất, bơi vài buổi đã đen cháy da. Chưa kể, mật độ trẻ xuống bể quá lớn, không đủ không gian để bơi và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh mùa hè. Vì thế, tôi vẫn còn băn khoăn với kế hoạch bơi lội của các cháu trong dịp hè này...". Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Kim Liên (phố Nguyễn Ngọc Vũ, Đống Đa, Hà Nội) dường như cũng chứa đựng những băn khoăn, lo lắng chung của nhiều bậc cha mẹ khác về việc cho trẻ đến bể bơi trong dịp hè.

Phó Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao quần chúng, Tổng cục Thể dục thể thao Nguyễn Thị Chiên - một trong những cán bộ chuyên trách về chương trình bơi an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho biết: "Ở lứa tuổi này tính hiếu động của các em rất cao, đề kháng của cơ thể kém, nếu coi nhẹ khâu vệ sinh, an toàn ở bể bơi sẽ không có lợi cho sức khỏe và sự an toàn tính mạng của các em. Cụ thể, các em thường dễ mắc một số bệnh viêm nhiễm về tai, mắt, mũi, họng, hoặc dễ chấn thương khớp vai, gối, vì vậy phụ huynh, đơn vị quản lý, vận hành bể bơi cũng như các em phải nắm vững các kiến thức chẩn đoán, cách dự phòng. Và rất cần tránh cho trẻ bị nhiễm lạnh, do thân nhiệt của mỗi cá nhân thường cao hơn nhiệt độ nước bể...".

Là người gắn bó với công tác quản lý, cấp phép bể bơi trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Trưởng phòng Quản lý thể dục thể thao Dương Duy Kiếm cho rằng, để bảo đảm an toàn tại bể bơi mùa hè, các nhà quản lý phải kỹ lưỡng ngay từ quá trình thẩm định, cấp phép hoạt động. Ví như về chất lượng nước, các doanh nghiệp phải có chứng nhận của cơ quan y tế. Cùng với đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng tiến hành thẩm định trực tiếp, chỉ khi đủ điều kiện mới cấp phép. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần tăng cường mở lớp đào tạo cứu hộ, cùng với đó, các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động bể bơi phải tuân thủ quy định của Nhà nước về mật độ, các điều kiện vận hành trong quá trình kinh doanh...

Giải pháp bảo đảm an toàn bể bơi mùa hè

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, khi bơi tại những bể bơi quá tải, nguồn nước bị ô nhiễm, người bơi có nguy cơ mắc phải một số bệnh về mắt, da, nhất là bệnh liên quan đến tai, mũi, họng, như: Viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai... Do đó, khi chọn bể bơi không nên chọn nơi quá đông người. Cần quan sát kỹ môi trường, nguồn nước trước khi bơi. Nếu màu nước tối, bị vẩn đục hoặc có các vật thể lạ thì môi trường nước ở đó không an toàn. Còn nếu mùi nước ở bể bơi khó chịu thì có thể là do khâu xử lý nước chưa được tốt, cũng không bảo đảm cho sức khỏe. Trước khi xuống bể bơi, nên tắm gội sạch sẽ và khởi động làm nóng cơ thể để tránh chuột rút. Khi bơi nên trang bị đầy đủ mắt kính, nút bịt tai. Sau bơi, nên tắm lại bằng nước sạch, xà phòng và nhỏ mũi, mắt bằng nước muối sinh lý. Người mắc các bệnh ngoài da, tiêu hóa (tả, lỵ, thương hàn...), bị hen phế quản, viêm xoang, huyết áp, tim mạch... thì không nên đi bơi.

Hướng dẫn trẻ em tập bơi.


Thực tế cho thấy, hè năm nào cũng xảy ra những trường hợp bể bơi bị quá tải, hoặc chất lượng nước có vấn đề, gây ngứa, dị ứng. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý, đơn vị liên quan cần thường xuyên kiểm tra chất lượng nước của các bể bơi trong quá trình vận hành, chứ không chỉ trong khâu cấp phép.

Với các bậc phụ huynh, cần chủ động tìm hiểu, lựa chọn bể bơi an toàn, phù hợp với con em mình. Ví như chọn các bể bơi đạt tiêu chuẩn và yêu cầu chuyên môn, đáy bể có độ dốc đều, không gấp khúc, chênh lệch độ sâu không quá 1m đối với bể bơi có chiều dài từ 25m trở lên hoặc không quá 0,5m đối với bể bơi có chiều dài nhỏ hơn 25m. Nước bể bơi không quá lạnh hoặc quá nóng, nhiệt độ từ khoảng 300C, phù hợp với trẻ em. Bể bơi dành cho trẻ phải có độ sâu thích hợp, nước phải trong suốt nhìn thấy đáy, bảo đảm tiêu chuẩn nước sinh hoạt. Mật độ tập luyện phải bảo đảm ít nhất 1 người/1m2 ở khu vực nước nông (độ sâu dưới 1m) hoặc 1 người/2m2 ở khu vực nước sâu (độ sâu từ 1m trở lên).

Các bể bơi cần phải có đầy đủ phương tiện, dụng cụ, thiết bị cứu đuối, bảo hiểm, đồng thời bảo đảm có đủ nhân viên cứu hộ theo quy định. Số lượng nhân viên cứu hộ phải bảo đảm ít nhất 200m2 mặt nước bể bơi/1 nhân viên, trường hợp có đông người tham gia tập luyện phải bảo đảm ít nhất 50 người bơi/1 nhân viên cứu hộ trong cùng một thời điểm. Sào cứu hộ, phao cứu sinh cần được đặt trên thành bể ở các vị trí thuận lợi, dễ quan sát và sử dụng. Mỗi bể bơi phải có ít nhất 6 sào, 6 phao cứu sinh. Ghế cứu hộ được đặt trên thành bể ở vị trí thuận lợi, dễ quan sát cho nhân viên cứu hộ, có chiều cao ít nhất 1,5m so với mặt bể... Các nhà quản lý, vận hành bể bơi cũng cần chuẩn bị các dụng cụ, thuốc cấp cứu để đề phòng những tình huống trẻ em gặp tai nạn, rủi ro.

Theo Chánh Văn phòng Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam Nguyễn Thu Hằng: Nhiều địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã làm rất tốt công tác quản lý kinh doanh bể bơi. Nhưng hoạt động thanh, kiểm tra, tăng cường giám sát, thẩm định ở tầm vĩ mô cũng cần được coi trọng. Thời gian tới, Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam mong muốn có văn bản liên tịch giữa các ngành ở cấp trung ương, trong đó Hiệp hội là một thành phần chuyên môn để tham gia thực hiện tốt công tác an toàn bể bơi mùa hè.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn bể bơi mùa hè: Tăng kiểm tra, giám sát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.