Từ đầu thế kỷ XX, Long Châu - huyện biên giới thuộc Quảng Tây (Trung Quốc) - đã in dấu bước chân của nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam trên hành trình giành độc lập, đặc biệt là của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với giá trị lịch sử đặc biệt ấy, Long Châu hôm nay trở thành “địa chỉ đỏ” mang tính quốc tế, là nhịp cầu hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Điểm tựa của lịch sử cách mạng Việt Nam
Nằm cách cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) vài chục kilômét, huyện Long Châu thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) từ lâu đã là vùng đất gắn bó máu thịt với cách mạng Việt Nam. Với vị trí địa lý tiếp giáp các tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng của Việt Nam, trong giai đoạn 1926 - 1950, Long Châu không chỉ là cửa ngõ để các lãnh tụ, chiến sĩ cách mạng Việt Nam xuất nhập cảnh, mà còn là “căn cứ đỏ” đặc biệt ở hải ngoại, nơi chứa đựng nhiều quyết định chiến lược trên chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trong thời kỳ 1940 - 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần hoạt động tại Long Châu. Đặc biệt, từ đầu thập niên 1930, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thuê ngôi nhà số 74, 76 phố Nam (trấn Long Châu, huyện Long Châu) để làm cơ sở hoạt động bí mật của cách mạng Việt Nam dưới danh nghĩa kinh doanh. Trong giai đoạn 1939 - 1944, mỗi khi trở về Long Châu hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nghỉ và làm việc tại ngôi nhà này.
Ngôi nhà số 74, 76 phố Nam mang phong cách kiến trúc Trung Hoa cổ điển hình, gồm hai tầng, phía dưới là cửa hàng, phía trên dùng để sinh hoạt và họp hành. Ngôi nhà được xây bằng gạch và gỗ lim, nằm trong khuôn viên rộng 1264,8m2, diện tích xây dựng 573,8m2. Ngôi nhà này hiện được giữ gần như nguyên trạng, với những vật dụng sinh hoạt giản dị mà gần gũi như chiếc giường gỗ, chậu rửa, bàn làm việc, bàn ghế gỗ cũ... Từ năm 2006, chính quyền thành phố Sùng Tả đã trùng tu ngôi nhà trở thành Di tích cơ quan bí mật của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Long Châu và Bảo tàng Hồ Chí Minh, đón tiếp hàng nghìn lượt khách tham quan mỗi năm. Di tích này hiện trưng bày hơn 600 bức ảnh và 60 hiện vật quý giá, tái hiện sinh động quãng thời gian hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sĩ cách mạng Việt Nam tại Trung Quốc.
Ngoài ra, tại Long Châu còn có nhiều di tích gắn với hành trình cách mạng của Bác như nhà ông Nông Nhân Bảo - bà Hai Nông tại số 81 phố Bát Bảo, nơi từng tổ chức các lớp tập huấn chính trị và các cuộc họp quan trọng trong giai đoạn 1930 - 1944; nhà ông Nông Kỳ Chấn (bản Nà Tạo), nhà ông Phan Toàn Trân (bản Nà Thành), Trường Tiểu học Hạ Đống, hiệu may Đức Hưng (Văn phòng hải ngoại số 1)... Đặc biệt phải nhắc đến chuyến Bác Hồ cùng 18 thanh niên Việt Nam từ Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) về Pác Bó (Cao Bằng, Việt Nam) vào tháng 8-1944, với điểm dừng chân quan trọng tại Long Châu. Tại đây, Bác đã chọn những địa điểm an toàn để đổi trang phục, nghỉ ngơi, chuẩn bị trước khi trở về Việt Nam lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945.
Phát huy giá trị điểm đến “đỏ”
Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích cách mạng tại Long Châu không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương mà còn thể hiện tình cảm sâu nặng của nhân dân Trung Quốc dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Những năm gần đây, tỉnh Quảng Tây đã giành nhiều ngân sách để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích cách mạng, đồng thời hợp tác với phía Việt Nam nhằm phát huy giá trị của các di tích này gắn với phát triển du lịch xuyên biên giới.
Việc kết nối các di tích liên quan đến cách mạng Việt Nam tại Trung Quốc cũng được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình du lịch lịch sử cách mạng kiểu mẫu và là những điểm đến không thể thiếu trong tuyến du lịch “đỏ” Việt - Trung. Nhằm hiện thực hóa mô hình này, thời gian tới, Sở Văn hóa và Du lịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây sẽ phối hợp với phía Việt Nam hợp tác xây dựng tuyến du lịch “Tìm về lịch sử: Theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh”, kết nối các địa danh lịch sử tại Việt Nam và Trung Quốc.
Việc xây dựng tuyến du lịch này sẽ do các đơn vị lữ hành của Việt Nam và Trung Quốc cùng hợp tác thực hiện. Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Phương Nam (PNTRIP) Vũ Nam Phương cho biết, đơn vị đang bắt tay với Công ty TNHH Du lịch Văn hóa Đỏ Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) xây dựng sản phẩm này. Dự kiến, tháng 6-2025, sản phẩm sẽ được đưa vào phục vụ du khách Việt Nam. Theo đó, du khách sẽ được tham quan các điểm đến gắn với quá trình hoạt động Cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trung Quốc như Di tích Cơ quan bí mật của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Long Châu, Di tích lưu niệm Hồ Chí Minh tại Tĩnh Tây - Khu di tích Văn phòng “Việt Minh”, Nhà lưu niệm Hồ Chí Minh tại Liễu Châu, Di tích Trường Dục Tài Nam Ninh...
Đánh giá cao về sản phẩm “Tìm về lịch sử: Theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cho rằng, đây không chỉ là tuyến du lịch đầy ý nghĩa với du khách lớn tuổi mà còn có thể trở thành sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn đối với thế hệ trẻ Việt Nam. “Việc xây dựng các tuyến du lịch văn hóa - lịch sử giữa hai nước không chỉ là cơ hội giúp các bạn trẻ tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ tại Trung Quốc mà còn là cầu nối bền vững cho tình hữu nghị Việt - Trung, qua đó gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp giữa người dân hai nước trong thời đại mới” - ông Hùng chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.