Là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước, Hà Nội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, đặc biệt là gia tăng lượng khí thải nhà kính.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, mỗi năm trên địa bàn thành phố phát thải hàng triệu tấn CO₂, chủ yếu từ hoạt động của hơn 8 triệu phương tiện giao thông cá nhân... Cùng với đó, chất lượng không khí thường xuyên ô nhiễm ở mức đáng báo động, đặc biệt vào mùa đông và mùa xuân.
Trước thực trạng này, thành phố đã và đang triển khai nhiều chính sách về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Điển hình là Kế hoạch số 149/KH-UBND về Hành động tăng trưởng xanh của thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 228/KH-UBND của UBND thành phố về Triển khai thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội; các chương trình trồng cây xanh, lắp đặt điện mặt trời áp mái, phát triển phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch... Mới đây, ngày 13-5-2025, UBND thành phố tiếp tục ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND về Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong quản lý chất thải đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho rằng, những chính sách này mới chỉ mang tính khuyến khích, chưa tạo được đột phá, chưa hình thành xu thế chuyển đổi mạnh mẽ trong xã hội. Hơn nữa, việc triển khai còn thiếu tính đồng bộ giữa các cấp, ngành, dẫn tới hiệu quả chưa cao. Muốn giảm phát thải thực chất, Hà Nội cần đặt ra các chỉ tiêu cụ thể, có thể đo đếm được, đồng thời xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra và đánh giá minh bạch, công khai. Quan trọng hơn, mỗi chính sách đưa ra cần đi kèm nguồn lực tài chính đủ mạnh và cách tiếp cận toàn diện nhằm thay đổi hành vi của người dân.
Trước hết, Hà Nội cần nhận diện được hơn 8 triệu phương tiện giao thông cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch là nguồn phát thải lớn nhất đang gây ô nhiễm môi trường, để đẩy mạnh chuyển đổi hệ thống xe buýt sang điện hoặc năng lượng sạch; phát triển hệ thống giao thông công cộng hiệu quả, thân thiện với môi trường; ban hành các chính sách khuyến khích mạnh mẽ cho việc sử dụng phương tiện không phát thải như xe đạp, xe điện.
Thứ hai, sử dụng năng lượng tái tạo hiệu quả bằng cách thúc đẩy lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các tòa nhà hành chính, trường học, bệnh viện và khu dân cư. Bên cạnh đó, thành phố cần kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng năng lượng trong các công trình xây dựng, khuyến khích các tiêu chuẩn công trình xanh, tiết kiệm năng lượng.
Thứ ba, thành phố cần đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa, nhằm góp phần cắt giảm khí metan. Đồng thời, phát triển mô hình nông nghiệp đô thị xanh, sử dụng phụ phẩm hữu cơ làm phân bón sẽ tạo ra chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn và bền vững.
Tuy nhiên, việc giảm phát thải khí nhà kính không phải là nhiệm vụ của riêng chính quyền mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Trong đó, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn. Các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng và giám sát việc thực hiện chính sách môi trường.
Người dân Thủ đô cần hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm, ưu tiên sản phẩm xanh, hạn chế rác thải nhựa, tham gia phân loại rác sinh hoạt và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô cần lồng ghép giáo dục môi trường vào chương trình giảng dạy. Đặc biệt, thế hệ trẻ cần được trao cơ hội và nguồn lực để trở thành lực lượng tiên phong trong các phong trào bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hà Nội đang đứng trước thời điểm bản lề, hoặc lựa chọn tiếp tục phát triển theo mô hình cũ với chi phí bảo vệ môi trường ngày càng đắt đỏ, hoặc chủ động chuyển đổi theo hướng xanh - sạch - bền vững, trở thành hình mẫu đô thị hiện đại trong khu vực.
Để thực hiện được điều đó, thành phố không thể chỉ dừng ở các tuyên bố và kế hoạch dài hạn mà phải hành động ngay. Mỗi ngày chậm trễ là thêm một phần của tương lai bị đánh mất. Vì một Hà Nội xanh hơn, sạch hơn, sống tốt hơn - hành động hôm nay chính là đầu tư cho ngày mai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.