(HNMO) - Sáng 20-6, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp mặt các nhà báo lão thành và lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2018).
Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Thuận Hữu và lãnh đạo một số bộ, ban, ngành.
♦ Toàn văn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ kỷ niệm
Quang cảnh buổi gặp mặt. |
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, phát biểu bày tỏ niềm vui khi tham dự cuộc gặp năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi tới những nhà báo lão thành, những người đang công tác trong lĩnh vực báo chí lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt đẹp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt nhất, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng văn hóa, không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, đóng góp lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự phát triển của đất nước. Những năm qua, báo chí nước nhà đã thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình, trong đó có bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; thực hiện tốt tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đưa tin đầy đủ, kịp thời tình hình trong nước và quốc tế, phản ánh mọi mặt đời sống xã hội; phát hiện những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình hiệu quả, cách làm hay.
Báo chí đã biểu dương gương “Người tốt, việc tốt”, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, chống lãng phí, bảo vệ chủ quyền quốc gia, tuyên truyền đối ngoại, qua đó tạo sự đồng thuận trong xã hội. Báo chí Cách mạng Việt Nam là cầu nối hiệu quả giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ với nhân dân.
"Chúng ta tự hào về đội ngũ 36.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, trong đó có hơn 18.000 người được cấp thẻ, hơn 22.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam ở hơn 850 cơ quan báo chí. Nhiều nhà báo đã trở thành những tấm gương sáng, đã nỗ lực quên mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, nhà báo phát huy truyền thống, phẩm chất các thế hệ đi trước. Nhiều người không ngại hiểm nguy, khó khăn, gian khổ lăn lộn vào thực tế, kịp thời đưa tin về những sự kiện nóng. Trong đó có những người đã hy sinh khi tác nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những yếu kém cần khắc phục, trong đó có việc báo in và báo điện tử đối mặt với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ. Công tác quản lý báo chí còn những bất cập, trong đó nhiều cơ quan, người làm báo còn chưa tích cực, chủ động, chưa bám sát tôn chỉ mục đích của cơ quan báo, có trường hợp chạy theo mục đích thương mại, theo lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, đưa tin một chiều, giật gân, câu khách, gây bức xúc trong xã hội. Cá biệt có nhà báo bị xử lý hình sự; có nhà báo không đưa tin chính thống mà lại đưa tin thiếu xây dựng. Chưa có nhiều bài báo chất lượng cao, có sức tác động xã hội lớn, truyền cảm hứng lớn cho mọi người. Theo Thủ tướng, phải khắc phục triệt để tình trạng này để báo chí vận hành đúng tôn chỉ mục đích.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị báo chí phải làm tốt hơn nhiệm vụ thông tin tuyên truyền được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao phó. Báo chí phải đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thông tin tuyên truyền, củng cố niềm tin và sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Báo chí cùng tham gia giám sát các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước, thực hiện phương châm của Chính phủ "Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả". Đồng thời, báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống lại các thế lực thù địch; tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; chủ động bác bỏ những nội dung bôi nhọ, bịa đặt, vu khống, gây chia rẽ nội bộ, làm mất đoàn kết trong Đảng và trong xã hội.
Thủ tướng cho hay, hiện nay trên mạng xã hội có nhiều thông tin trái chiều với luận điệu sai trái, bị các đối tượng phản động lợi dụng. Vì vậy, báo chí phải chủ động đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để toàn xã hội, cả đội ngũ nhà báo, phóng viên, cán bộ, công chức, người dân vào cuộc, nhận thức đúng, hiểu đúng và tích cực đưa tin phản bác.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, các địa phương, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm các hành vi cản trở, đe dọa, xâm phạm trên mọi hình thức đối với nhà báo trong thực thi nhiệm vụ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.