So với lần đấu giá băng tần 2.300-2.400MHz không thành hồi tháng 6-2023 (giá khởi điểm là trên 5.798 tỷ đồng cho 1 khối băng tần 30 MHz), mức giá khởi điểm đối với đấu giá tần số 2.500-2.600 MHz sắp tới là gần 3.984 tỷ đồng cho khối băng tần là 100 MHz.
Tính ra, giá khởi điểm đấu giá tần số băng tần 2.500-2.600 MHz giảm gần 5 lần (khoảng 80%) so với mức giá khởi điểm quy định trước đó với băng tần 2.300-2.400 MHz. Số tiền đặt cọc để doanh nghiệp tham gia đấu giá cũng được giảm chỉ còn 200 tỷ đồng (lần trước, doanh nghiệp đấu giá phải đặt trước 580 tỷ đồng).
Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500-2600 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất.
Doanh nghiệp trúng đấu giá được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm. Giá khởi điểm của khối băng tần 2500-2600 MHz là gần 4.000 tỷ đồng. Bước giá áp dụng tại cuộc đấu giá là 50 tỷ đồng. Doanh nghiệp tham gia đấu giá đặt trước 200 tỷ đồng.
Cũng tại quyết định này, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định 4 cam kết triển khai mạng viễn thông đấu giá băng tần 2.500-2.600 MHz.
Thứ nhất, sau 2 năm kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần 2.500-2.600 MHz, nhà mạng triển khai tối thiểu 3.000 trạm thu phát sóng 5G sử dụng băng tần 2.500-2.600 MHz (doanh nghiệp có thể triển khai trạm BTS 4G sử dụng băng tần 2.500-2.600 MHz khi được cấp giấy phép viễn thông theo quy định).
Thứ hai, nhà mạng cam kết chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng băng tần 2.500-2.600 MHz muộn nhất 12 tháng kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần.
Trong đó, tại thời điểm chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp phải triển khai tối thiểu 30% số lượng BTS phát sóng đã cam kết triển khai trong 2 năm đầu tiên.
Thứ ba, doanh nghiệp phải cam kết tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định.
Thứ tư, trong điều kiện khả thi về công nghệ, kỹ thuật, nhà mạng phải cam kết chuyển vùng dịch vụ viễn thông giữa các mạng khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước để phục vụ các hoạt động viễn thông công ích; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống dịch bệnh, tình trạng khẩn cấp theo quy định.
Trước đó, hồi tháng 5 và 6-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đấu giá băng tần 2.300-2.400 MHz dành cho 4G, 5G. Tuy nhiên, đến hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá của từng khối băng tần A1, A2, A3 mà không có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.