Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổ chức đấu giá tần số 4G, 5G là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023

Việt Nga| 10/06/2023 16:41

(HNMO) - Ngày 10-6, Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (8/6/1993 - 8/6/2023). Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho Cục Tần số vô tuyến điện.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng Cờ Thi đua của Chính phủ cho Cục Tần số vô tuyến điện. Ảnh: LM

Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, thông tin vô tuyến điện đã có sự phát triển rất mạnh mẽ. Bối cảnh đó đặt ra nhiều vấn đề mới về quản lý tần số vô tuyến điện, đặc biệt, Việt Nam cần có một cơ quan quản lý nhà nước đủ lớn mạnh và hiện đại để quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên phổ tần số của quốc gia. Ngày 8-6-1993, Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện đã ký Quyết định số 494/QĐ-TCBĐ thành lập Cục Tần số vô tuyến điện. Sau 30 năm, Cục Tần số vô tuyến điện đã phát triển lớn mạnh cả về đội ngũ cán bộ lẫn cơ sở vật chất, trở thành cơ quan quản lý chuyên ngành chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu của công tác quản lý tần số trong nước và hội nhập quốc tế.

Việc quản lý tần số đã đóng góp quan trọng vào mở cửa và phát triển thị trường thông tin di động. Năm 1994, Cục cấp giấy phép băng tần đầu tiên cho MobiFone cung cấp dịch vụ di động GSM (2G) tại Việt Nam. Cùng với đó, Cục phân chia băng tần GSM thành 3 khối, đóng góp quan trọng vào việc mở cửa thị trường viễn thông, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, làm cơ sở tạo lập thế “chân vạc” của viễn thông Việt Nam sau này. Giấy phép băng tần được cấp tiếp theo cho VNPT/VinaPhone, Viettel và các doanh nghiệp khác tạo sự phát triển bùng nổ của thông tin di động, đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Trong việc giành vị trí quỹ đạo vệ tinh - dấu mốc thể hiện chủ quyền trên không gian, Cục đóng vai trò quan trọng trong việc đăng ký quỹ đạo vệ tinh, đưa Việt Nam phóng thành công vệ tinh viễn thông Vinasat-1 lên quỹ đạo vào năm 2008, Vinasat-2 vào năm 2012. Kết quả này góp phần thể hiện chủ quyền quốc gia Việt Nam trong không gian, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoàn thiện hệ thống thông tin...

Về ứng dụng công nghệ, Cục giữ vai trò tham mưu chủ lực thực hiện Đề án số hóa truyền hình với điểm đột phá lớn nhất là đi thẳng vào công nghệ hiện đại DVB-T2 khi ban đầu chỉ có 6 nước lựa chọn công nghệ này (đến nay 90% quốc gia lựa chọn công nghệ DVB-T2), giúp người dân được xem chương trình truyền hình chất lượng cao; đồng thời, giúp giải phóng băng tần 700MHz để sử dụng cho di động. Trước sự xuất hiện các công nghệ mới 3G, 4G, Cục đã chủ động nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và tham mưu chính sách trung lập công nghệ đối với băng tần di động, tạo sự chủ động cho các doanh nghiệp triển khai các công nghệ mới trên các băng tần đã được cấp…

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Cục Tần số vô tuyến điện. Ảnh: LM

Chúc mừng các thế hệ cán bộ, lãnh đạo của Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của Cục thời gian qua.

Nhấn mạnh, tần số vô tuyến điện là một lĩnh vực đặc biệt và đang có những thay đổi, để làm tốt hơn công tác quản lý tần số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Cục Tần số vô tuyến điện chú ý tới tần số quỹ đạo vệ tinh, nhất là vệ tinh tầm thấp đang ngày càng quan trọng. Cần đánh giá, nghiên cứu vấn đề kinh tế kỹ thuật trong tổ chức đấu giá tần số; giám sát can nhiễu. Đặc biệt, cần coi nhiệm vụ tổ chức đấu giá tần số 4G, 5G thành công trong năm 2023 là một nhiệm vụ chính trị, trọng tâm của Cục.

“Bảo đảm tần số cho di động, băng thông siêu rộng và phổ cập là một nhiệm vụ cấp bách của Cục Tần số vô tuyến điện. Tần số còn phải giải quyết bài toán bền vững, xanh, mở, thông minh và an toàn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao nhiệm vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổ chức đấu giá tần số 4G, 5G là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.