(HNM) - Không phải đến hôm nay mà ngay từ những ngày hệ tại chức nở rộ như một phong trào, như một cuộc "cách mạng" nhằm thay đổi tư duy xã hội, khơi dậy tinh thần hiếu học của cả dân tộc, đã có không ít ý kiến tâm huyết của các nhà giáo, nhà khoa học chuyên ngành băn khoăn, lo lắng về hệ quả khi sự gánh vác của nó xem ra thật quá sức mình.
Qua thống kê của ngành giáo dục - đào tạo mà thấy nửa mừng, nửa thương cho hệ đào tạo này. Tính đến năm 2010, trong số hơn 1,7 triệu sinh viên đang theo học đại học, cao đẳng thì có đến 990 ngàn thuộc hệ đào tạo tại chức. Trong khi đó, từ năm 1987 đến nay, khi số sinh viên cả nước tăng tới 13 lần thì số giáo viên chỉ tăng chưa tới 3 lần và tỷ lệ 1 giảng viên/28 sinh viên là con số đáng để chúng ta suy nghĩ.
Hệ đào tạo tại chức không xa lạ gì với nước ta và cũng là một mô hình đào tạo rất hiệu quả của nhiều nước phát triển. Vậy thì, bản chất của hệ đào tạo ấy không có lỗi. Lỗi chính là những người đã tạo ra các mô hình đào tạo theo "kiểu Việt Nam", luôn mở rộng cửa cho các sinh viên thi trượt đại học, là nơi gửi gắm của các "quan hệ" và là nguồn thu không nhỏ của nhiều trường. Thêm nữa, việc cho phép mỗi hệ đào tạo có một văn bằng riêng, chính là tác nhân hạ chuẩn đào tạo.
Chúng ta phải ghi nhận những tấm gương vượt khó học tập của nhiều người quyết đến với giảng đường khi trở về từ khói lửa chiến tranh, khi đi lên từ nồng bụi các công trường, nhà máy… để đến hôm nay trong số họ không ít người đã trở thành các nhà khoa học, giáo sư, chuyên gia của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, góp sức không nhỏ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Nhưng, chúng ta cũng phải dũng cảm nhìn nhận một thực tế không thể phủ nhận là do cơ chế tuyển dụng, xem xét, đánh giá cán bộ của ta còn nặng về hình thức bằng cấp, nếu không muốn nói có địa phương, cơ quan, đơn vị còn bị chi phối bởi các mối "quan hệ", do đó đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các "cử nhân tại chức" phát triển nhanh, mạnh và ồ ạt. Đầu vào không chuẩn, nên đòi hỏi có được một đội ngũ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ là điều phi thực tế. Và đương nhiên trong xã hội, năng lực, chất lượng cán bộ đang bị hạ cấp.
Ngành giáo dục - đào tạo đã nhận ra điều ấy, nhưng xem ra còn loay hoay chưa dám quyết mạnh. Thế nên, trong cuộc trao đổi với báo giới ngày 25-12 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận chia sẻ rằng, sau sự kiện Đà Nẵng "nói không" với bằng tại chức, càng làm cho Bộ tăng thêm quyết tâm với việc giảm chỉ tiêu cho hệ đào tạo này trong những năm tới.
Không chỉ ngành giáo dục - đào tạo, nơi đầu tiên đưa bước chân mỗi con người bước vào đời đã nhận ra và điều chỉnh lại chính mình; mà ngay tại từng địa phương, cơ quan, đơn vị, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại cách xem xét, đánh giá cán bộ, bởi chỉ có bằng cấp không thôi thì không thể khỏa lấp được sự thiếu hụt về chuyên môn nghiệp vụ; và chính sự lo lót cho đủ các loại bằng để "hợp chuẩn" ấy đang là mầm mống cho sự tha hóa về đạo đức trong một số cán bộ, đảng viên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.